Làm thế nào để giúp trẻ hiểu nguyên lý tiền bạc và kinh doanh? Đó là băn khoăn của không ít phụ huynh, bởi việc của trẻ em là học tập, vui chơi.
Bằng cách kể một câu chuyện hấp dẫn, The Lemonade War của Jacqueline Davies giúp trẻ khám phá chuyện kinh doanh một cách tự nhiên. Sách xuất bản năm 2007, là cuốn đầu tiên trong bộ 5 tập: The Lemonade War, The Lemonade Crime, The Bell Bandit, The Candy Smash, The Magic Trap.
Dành kỳ nghỉ hè lý thú để thi bán nước chanh
Bộ sách đã bán được hơn ba triệu bản trên toàn thế giới, đoạt giải thưởng sách Khoa học Tài chính xuất sắc dành cho học sinh của Hiệp hội Giảng dạy Khoa học Quốc gia Mỹ.
Dưới hình thức một tác phẩm văn học thiếu nhi, bộ sách Thương vụ nước chanh khơi gợi cho các độc giả nhỏ nhiều kiến thức về thương mại, tài chính, luật pháp. Bộ sách phù hợp độc giả từ 8 đến 15 tuổi.
Ba trong số 5 tập của bộ sách phát hành tiếng Việt với tên lần lượt: Thương vụ nước chanh, Phiên tòa khối bốn và Chiếc chuông mất tích.
Nhân vật trung tâm của bộ sách là anh em nhà Treski. Anh trai Evan Treski, 9 tuổi, hòa đồng, tháo vát, giỏi ăn nói nhưng không giỏi học tập ở trường.
Trong khi đó, em gái Jessie Treski, 8 tuổi, thông minh, giỏi toán học nhưng không giỏi thấu hiểu tâm lý người khác. Với tính cách đặc trưng như vậy, hai anh em rất hòa hợp bởi họ thường bổ sung cho nhau nhiều mặt.
Mọi chuyện thay đổi khi hai anh em đang tận hưởng kỳ nghỉ hè thì nhận một lá thư được gửi từ trường học. Thư thông báo rằng Jesssi sẽ được “nhảy cóc” qua lớp ba, và lên lớp bốn học cùng anh trai.
Evan tức điên lên, vì cho rằng Jessie sẽ làm anh xấu hổ trước lớp, bạn bè. Thầy cô sẽ so sánh cậu với em gái trước lớp. Vì vậy, Evan tránh xa em gái. Vài ngày sau, Evan làm một quầy bán nước chanh với một người bạn cũ tên là Scott.
Jessie thấy vậy cũng quyết định làm một quầy bán nước chanh. Cô rủ Megan Moriarty, một trong những người bạn của Evan, tham gia. Evan và Jessi quyết định thực hiện một cuộc đua bán nước chanh, xem ai có thể kiếm được nhiều tiền nhất trong tuần cuối cùng của kỳ nghỉ hè.
Evan muốn giành phần thắng để chứng minh Jessi vẫn chỉ là đứa trẻ, không xứng học lớp 4 cùng cậu. Jessi thì muốn chiến thắng để chứng minh cô bé đã lớn rồi.
Giúp trẻ làm quen với kinh doanh
Trong cuộc đua bán nước chanh của anh em nhà Treski, tác giả khéo léo lồng ghép những kiến thức kinh doanh. Mỗi chương của bộ sách bắt đầu với một thuật ngữ trong kinh doanh giúp trẻ em làm quen như: Cạnh tranh, hạ giá, suy thoái, liên doanh, hợp tác… Những diễn biến của câu chuyện là minh họa cụ thể, dễ hiểu cho những thuật ngữ này.
Bên cạnh các thuật ngữ kinh doanh, sách cũng đưa vào những bài toán và thảo luận cách giải. Evan và Jesssi, mỗi người có một thế mạnh tư duy khác nhau, sẽ tiếp cận vấn đề và giải bài toán khác nhau.
Tác giả cũng gợi ý cách giải quyết những rắc rối thông qua chuyện xảy ra với Evan và Jessi. Trong tập một, Evan và Jessi đã dũng cảm đối mặt sai lầm của mình, sẵn sàng bỏ qua khi đối phương nhận lỗi và không “làm phiền” người lớn vào rắc rối của mình.
Họ cũng học cách giải quyết việc một cậu bạn trộm 208 USD mà Jessi và bạn mình phải “đổ mồ hôi” mới dành được trong một tuần bán nước chanh ở tập 2 (Phiên tòa lớp bốn).
Anh em nhà Treski cũng có những trải nghiệm tìm tòi, khám phá, làm “thám tử nhí” trong tập ba Chiếc chuông mất tích.
Sở dĩ câu chuyện gần gũi và được nhiều trẻ em đón nhận như vậy vì tác giả đã quan sát tỉ mỉ về cuộc sống, tâm lý trẻ. Trong một lần trả lời thắc mắc của những độc giả nhí về bộ sách, Jacqueline Davies cho biết bà đã viết cuốn sách này dựa trên câu chuyện của hai con trai của mình là Henry và Sam.
Hai cậu bé đã có cuộc thi bán nước chanh và xảy ra tranh cãi căng thẳng. Sam nói rằng: “Nếu anh không cho bán nước chanh cùng, em sẽ bán riêng và lấy hết khách của anh”. Chính “thương vụ” này đã gợi cảm hứng cho tác giả.
Ban đầu, tác giả không định đưa thuật ngữ kinh doanh vào câu chuyện. Nhưng trong quá trình kể lại việc tụi nhỏ bán nước chanh, các thuật ngữ dần xuất hiện. Để làm được điều này, tác giả đã tìm hiểu nhiều thuật ngữ về kinh doanh, và lấy các thuật ngữ này làm tên mỗi chương sách. Biên tập viên của sách đề nghị thêm định nghĩa đơn giản, dễ hiểu vào dưới đó.
Tác giả chia sẻ thông qua bộ truyện, bà muốn độc giả nhỏ nhận thấy bất kỳ cuộc tranh luận nào cũng đều có hai góc nhìn, hoặc nhiều hơn. Vì vậy, khi ta đang tranh cãi với ai đó, bất kể là khi ta cảm thấy mình đang đúng, đối phương có tính cách, cách nhìn vấn đề rất khác chúng ta.
“Cô nghĩ rằng chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn để hiểu suy nghĩ của người khác. Điều ấy sẽ giúp giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn”, Jacqueline Davies chia sẻ với bạn đọc nhỏ tuổi.