Theo trang tin Bloomberg, dù những khoản nợ gần đây đã giảm bớt, nếu xem xét kỹ hơn thì khả năng trả nợ trong dài hạn của đế chế Adani vẫn là một ẩn số. Đà tụt giảm trên thị trường chứng khoán cũng như sự không chắc chắn về xếp hạng tín dụng đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng kêu gọi vốn của tập đoàn.
Những lo ngại này thậm chí vẫn kéo dài ngay cả khi tỷ phú Adani đang nỗ lực xoa dịu giới đầu tư trong chuỗi sự kiện 3 ngày liên tiếp tại Singapore và đã nhận được khoản đầu tư 1,9 tỷ USD từ một quỹ quản lý của Mỹ.
Rủi ro trả nợ trái phiếu
Nhận xét về tình hình hiện tại của tập đoàn Adani, chuyên viên Kamail Dimmich của North of South Capital cho biết: "Việc họ bán cổ phần để huy động tiền mặt là điều tích cực, nếu những lần huy động vốn tiếp theo cũng suôn sẻ thì mọi thứ sẽ ổn định thôi".
Được biết, tập đoàn Adani hiện đã trải qua quy trình cắt giảm chi phí và trả bớt nhiều khoản nợ ngắn hạn nhằm khôi phục lòng tin từ nhà đầu tư. Dù tập đoàn kiên quyết phủ nhận cáo buộc gian lận kế toán từ phía Hindenburg Research, họ vẫn phải trả nợ dần để chứng minh bản thân trong sạch.
Hiện tại, 11 trên tổng số 15 trái phiếu dài hạn của tập đoàn đã hồi phục trở lại từ mức đáy, trừ nhóm 4 trái phiếu có thời gian đáo hạn vào cuối năm 2026 vẫn loanh quanh mức 84-94 cent.
Còn về phía các cổ phiếu, sau đợt lao dốc đã xóa sạch gần 2/3 giá trị thị trường của tập đoàn, nhóm 10 cổ phiếu của Adani Group dần hồi phục trở lại vào phiên giao dịch ngày 1/3 với mức tăng cao nhất là 15%. Theo dữ liệu từ Bloomberg, giá trị thị trường của tập đoàn hiện đã hồi phục được 13 tỷ USD trong số 153 tỷ USD bốc hơi.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì. Cổ phiếu những công ty có đà giảm mạnh nhất như Adani Total Gas, Adani Transmission và Adani Green Energy hiện vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng 70-80%.
Hãng xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng Moody's mới đây đã hạ triển vọng của Adani Green và 3 công ty liên kết khác xuống mức rủi ro vì những khoản nợ vẫn cần theo dõi thêm. Tương tự, S&P Global Ratings vào tháng 2 vừa qua cũng hạ triển vọng của cả tập đoàn xuống mức tiêu cực với lý do đế chế này sẽ phải chịu những chi phí bảo hiểm rất lớn nếu muốn vay vốn sau khủng hoảng.
Khoản đầu tư gần 2 tỷ USD
Tin tức tích cực nhất gần đây là tập đoàn này đã nhận được khoản đầu tư 1,9 tỷ USD từ quỹ quản lý tài sản GQG Partners có trụ sở tại Mỹ.
Cụ thể, với khoản tiền 1,9 tỷ USD nói trên, GQG đã mua 3,4% cổ phần của Adani Enterprises với giá 662 triệu USD, 4,1% cổ phần trong Adani Ports với giá 640 triệu USD, 2,5% trong Adani Transmission với giá 230 triệu USD và 3,5% cổ phần trong Adani Green Energy với giá 340 triệu USD. Tổng giá trị thị trường của khối cổ phần này hiện khoảng 154,46 tỷ rupee Ấn Độ.
Sau thông tin này, vào đầu phiên giao dịch tại Australia, cổ phiếu của GQG Partners đã giảm 2,3%.
Tuy nhiên, ông Rajiv Jain - Chủ tịch kiêm Giám đốc Đầu tư quỹ GQG - đã trấn an nhà đầu tư và cho biết: “Chúng tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng dài hạn của các công ty này là đáng kể”.
Theo ông, đây là những tài sản không thể có được vào thời điểm thuận lợi, và lợi nhuận cao đương nhiên phải đi kèm với rủi ro lớn. Đồng thời ông cũng chia sẻ rằng các khoản đầu tư của công ty sẽ có thời hạn 5 năm.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng này còn lan sang cả thị trường ESG (thị trường đầu tư dựa trên 3 yếu tố bao gồm môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) và khiến bộ phận quản lý tài sản thuộc JPMorgan Chase phải xóa sạch các danh mục đầu tư liên quan của mình do có tiếp xúc với đế chế Adani.