Khai mạc phiên họp thứ 23 sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch năm 2023.
Tại đây, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề cập tới nhiều vấn đề nóng về thị trường bảo hiểm, ngân hàng, được dư luận quan tâm thời gian qua, đặc biệt công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập một số khó khăn, hạn chế của kinh tế - xã hội thời gian qua.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 (5,6%).
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.
Ngoài ra, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng giảm 2% so với cùng kỳ với gần 78.900 doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% tương ứng 77.000 doanh nghiệp.
Ông Dũng cũng nhìn nhận thị trường nội địa chưa thực sự được quản lý, khai thác hiệu quả. Một số sự việc gần đây về hoạt động tư vấn, hợp đồng, phân phối bảo hiểm nhân thọ là vấn đề có tính hệ thống của thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ lo ngại một số vấn đề có thể tạo áp lực lên đến lạm phát bao gồm: Dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương...
Đề nghị nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung về các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.
Ông đề cập đến công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm.
Cụ thể, nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền gửi của khách hàng với số tiền rất lớn; tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc gửi tiết kiệm bị chuyển thành tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Trong khi đó, nhiều người dân lên tiếng việc bị các công ty bảo hiểm, nhân viên công ty bảo hiểm che giấu thông tin, lợi dụng vị thế trong giao dịch dân sự để ký các hợp đồng bảo hiểm dài hàng trăm trang với nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, bán chéo sản phẩm bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn…
Ngoài ra, thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Ông Thanh nhắc lại vụ việc đầu tháng 10/2022, sự kiện tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra cùng với các tin đồn trên mạng đã khiến người dân xếp hàng để rút tiền khỏi SCB. Việc này buộc Ngân hàng Nhà nước đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng tài chính.
Trong đó, Chính phủ được đề nghị nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm của bảo hiểm tiền gửi; thanh tra, kiểm tra các hoạt động chào bán, tư vấn, giới thiệu sản phẩm tài chính của ngân hàng, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các vấn đề về kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề cập tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp. Một số trang mạng xã hội như Tiktok đưa tin xấu, độc xuất hiện tràn lan gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngoài ra, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được ban hành và có hiệu lực.
Các doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới về PCCC được đánh giá là vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam.
Việc không nghiệm thu được công trình mới và sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa.
Trước tình trạng trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.