Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết thời gian qua, trước diễn biến của thị trường vàng thế giới và trong nước, thực hiện chỉ đạo về tăng cường kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo rà soát 127 điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia công, chế tác và kinh doanh vàng bạc trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau hơn 1 tháng triển khai, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra 18 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 221 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về nhãn hàng hóa và niêm yết giá không rõ ràng, vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Qua thực tế rà soát và kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết đã kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp theo đúng quy định.
Đồng thời, cơ quan này đã báo cáo Tổng cục QLTT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá lại nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng. Bởi thực tế hiện nay, các cơ sở kinh doanh vàng; mua, bán vàng trang sức của người dân nhưng không có hóa đơn, chứng từ mua, bán, người dân chủ yếu trả tiền mặt trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai theo chỉ đạo về tăng cường kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng nhằm góp phần ổn định thị trường.
Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo liên quan đến quản lý thị trường vàng trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng liên tục. Chỉ tính từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện các giải pháp theo quy định bình ổn, ổn định thị trường vàng.
Đặc biệt không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay việc tổng kết Nghị định số 24/2012.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.