Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về một số dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Triển khai loạt dự án giao thông trọng điểm
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, cho biết trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Thái Bình được củng cố và phát triển, thông qua việc đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ đời sống dân sinh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo cáo một số nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề cập đến đự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Đây là dự án đóng vai trò trọng tâm của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh Thái Bình đã đề xuất cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình lập thành 1 dự án độc lập, theo hình thức đầu tư công; đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư xây dựng 26km theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 19m, vận tốc khai thác 100km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng.
"Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề cập đến một số nội dung liên quan đến các công trình giao thông tại địa phương như đầu tư xây dựng khu bến Ba Lạt - Cảng biển Thái Bình; bến cảng Diêm Điền; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37B đoạn từ Thị trấn Kiến Xương đến Phà Cồn Nhất.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất đầu tư một số công trình đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Theo đó, tỉnh Thái Bình đề xuất tiếp tục đầu tư xử lý một số điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông 3 màu ở 6 vị trí.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có văn bản tham gia vào quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận, lãnh đạo các Cục: Cục Đường cao tốc, Đường bộ Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng; các Vụ và các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải đã cùng có ý kiến, trao đổi để đưa ra phương án phù hợp nhất cho mỗi dự án.
Rà soát tổng mức đầu tư cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tạo mọi điều kiện triển khai dự án
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định cần có sự quyết tâm, chung tay của tất cả các cơ quan, đơn vị để đưa ra được phương án phù hợp triển khai dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng trực tiếp hàng ngày hàng giờ phối hợp với địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai dự án.
Với mục tiêu cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án và tránh phá vỡ hiện trạng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát lại tổng mức đầu tư dự án, thẩm định chặt chẽ; đơn vị tư vấn cần tính toán thật sát để đưa tổng mức đầu tư xuống thấp, thời gian hoàn vốn ngắn lại.
"Về chủ trương, Bộ Giao thông vận tải luôn ưu tiên, ủng hộ cho các địa phương nói chung và Thái Bình nói riêng phát triển nhanh hạ tầng giao thông, khơi thông nút nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương được nhanh chóng, thuận tiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh; đồng thời, chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, các Cục, Vụ cố gắng tạo điều kiện, ủng hộ tối đa để Thái Bình có thể thuận lợi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian tới.
Được biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TP Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Trong đó, đoạn tuyến qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình là một phần của tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Đoạn tuyến được đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đề xuất dự án của nhà đầu tư, đoạn tuyến qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có chiều dài khoảng 80km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), tính cả lãi vay là 23.285 tỷ đồng.
Theo đề xuất dự án của nhà đầu tư, đoạn tuyến qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có chiều dài khoảng 80km.
Điểm đầu Km0+000 trên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (địa phận xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), điểm cuối khoảng Km80+000 tại nút giao giữa Quốc lộ 37B và đường ven biển (địa phận xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Riêng việc đầu tư đoạn qua tỉnh Ninh Bình, theo nội dung báo cáo số 134/BC-UBND ngày 15/12/2022, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức đầu tư công.
Đoạn tuyến có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn (nút giao trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông), xã Mai Sơn, huyện Yên Mô. Điểm cuối tại cầu Tam Tòa, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Quy mô đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang đường 19m, chiều dài khoảng 26km. Thời gian thực hiện 2024-2026, nguồn vốn thực hiện gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn qua tỉnh Ninh Bình của tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Còn lại với đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất được tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai đoạn tuyến theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT, với quy mô giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền đường 19m, vận tốc khai thác 100km/h, giải phóng mặt bằng 24,75m.
Phần giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình tách thành tiểu dự án, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bao gồm cả đường gom. Năm 2023 chuẩn bị dự án, dự kiến khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2026.