Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa có văn bản báo cáo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải về phương án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau. Phương án này được lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau và lãnh đạo ACV cơ bản thống nhất trong cuộc họp trực tuyến cuối tháng 11 vừa qua.
Đón máy bay trung tâm, nâng công suất phục vụ 1 triệu khách
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.
Với kế hoạch tăng trưởng giai đoạn đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau đạt tốc độ GRDP bình quân đạt trên 7,5%/năm, quy mô GRDP gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020 và quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Cà Mau như trên, ACV cho rằng việc khai thác Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo tiếp nhận các dòng tàu bay tầm trung của các hãng hàng không A321, A320, A319, Embraer 195 là cần thiết.
Do đó, ACV cho rằng phải nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng phát triển đến năm 2050.
Đồng thời, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 4 vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp; nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới 1 triệu hành khách/năm. Kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Cà Mau cho giai đoạn này ước khoảng 2.253 tỷ đồng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở quy hoạch theo Quyết định số 648/QĐ-TTg và phù hợp với kế hoạch tăng trưởng giai đoạn đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ được đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180m.
Cùng với đó, xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía Bắc.
Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau tiếp tục tiến hành cải tạo đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45 đã được xây dựng trong giai đoạn 2030 thành đường lăn song song.
Cùng với đó, xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m ở phía Nam và cách đường lăn song song 180m; xây dựng các đường lăn nối; xây dựng mới khu hàng không dân dụng ở phía Bắc.
Kế hoạch mở rộng mất hơn 3 năm
ACV tính toán kế hoạch xây dựng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau giai đoạn đến năm 2030 cần khoảng 38 tháng.
Trong đó, việc lập, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau, đồng thời lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình chấp thuận chủ trương đầu tư cần khoảng 6 tháng.
Thời gian thực hiện là 32 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trên cơ sở phương án đầu tư nêu trên, ACV đề xuất UBND tỉnh Cà Mau báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho tỉnh Cà Mau tài trợ sản phẩm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau .
UBND tỉnh Cà Mau báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để tỉnh thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho ACV thực hiện đầu tư xây dựng. Đồng thời, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban quản lý vốn chỉ đạo ACV triển khai thực hiện dự án.
ACV chịu trách nhiệm triển khai các thủ tục theo quy định để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 3C, nhà ga hành khách 2 cao trình với công suất 200.000 hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm là 150 hành khách/giờ.
Về công trình hạ tầng khu bay, sân bay Cà Mau có 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương; sân đỗ tàu bay có 02 vị trí đỗ theo nguyên tắc tự vận hành.
Đến thời điểm tháng 07/2023, Cảng hàng không Cà Mau phục vụ khai thác 02 loại máy bay là máy bay ATR72 của Công ty Bay dịch vụ Hàng không Việt Nam (VASCO, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines) và máy bay Embraer E190 của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Tuy nhiên, Bamboo Airways đã ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Cà Mau từ 25/7/2023 và theo kế hoạch cơ cấu đội tàu bay của hãng, loại tàu bay E190 sẽ không được sử dụng tại Việt Nam.
Do đó, hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau - TP.HCM và ngược lại, tần suất 5 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.