Chiều ngày 25/6, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, từng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng được triển khai vào năm 2021 và đến tháng 7/2024, Vietnam Airlines bắt đầu phải trả nợ khoản vay này.
RỦI RO LỚN NẾU KHÔNG ĐƯỢC GIA HẠN
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, do các giải pháp cơ cấu lại khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu tăng vốn của Vietnam Airlines có nhiều nội dung cần xin ý kiến và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có căn cứ để thực hiện, dẫn đến kéo dài chưa thể hoàn thành được ngay, trong khi Vietnam Airlines vẫn đang khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ cho biết trên cơ sở Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội và các quy định liên quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình hiện nay, Vietnam Airlines báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thêm 3 lần (tối đa đến 31/12/2027).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng, với lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
"Việc gia hạn khoản vay tái cấp vốn sẽ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trong việc duy trì dòng tiền, cải thiện các cân đối tài chính, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Vietnam Airlines triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu tổng thể trong dài hạn, tăng lợi thế đàm phán với các chủ nợ, nhà cung cấp, các tổ chức tín dụng nước ngoài, tránh được các hệ lụy phát sinh", Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình.
Trường hợp Vietnam Airlines không được gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thì sẽ phải đối mặt với các rủi ro lớn.
Một là, mất khả năng thanh toán từ tháng 07/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của Vietnam Airlines với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác.
Hai là,phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Đó là các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines (dư nợ vay bảo lãnh Chính phủ đến 31/3/2024 là 331 triệu USD).
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trong nước không có khả năng thu hồi các khoản cho Vietnam Airlines vay; hàng ngàn người lao động mất việc làm, gây bất ổn kinh tế xã hội...
Để gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Quản lý vốn và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn của Vietnam Airlines bảo đảm kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Vietnam Airlines. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
THANH TOÁN LÃI VAY ĐẦY ĐỦ
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng cũng thông tin cụ thể về việc triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng, bao gồm khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và gói tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cố phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Thứ nhất, từ ngày 23/7/2021 đến ngày 24/12/2021, trên cơ sở các hợp đồng tín dụng ký với các tổ chức tín dụng (Seabank, MSB và SHB), Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt 3.999,96 tỷ đồng.
"Số tiền giải ngân được các tổ chức tín dụng giải ngân dựa trên cơ sở hóa đơn, chứng từ và thanh toán trực tiếp vào tài khoản của nhà cung cấp căn cứ lịch thanh toán theo thỏa thuận với các nhà cung cấp. Các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn tương ứng với giá trị giải ngân", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tính đến 31/12/2023, Vietnam Airlines đã thanh toán đầy đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng, mức chi phí vay vốn từ 2,3-2,5%/năm. Theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, từ tháng 7 đến tháng 12/2024, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay.
Thứ hai, Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14. Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Đến tháng 9/2021, Vietnam Airlines đã tổ chức và hoàn tất phương án tăng vốn điều lệ với tỷ lệ thành công là 99,51%, tương ứng tổng số tiền thu từ bán cổ phần là 7.961 tỷ đồng, trong đó SCIC thay mặt Chính phủ thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước số tiền gần 6.895 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã chủ động đề nghị Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn chủ sở hữu từ chào bán thêm cổ phiếu.
Kiểm toán nhà nước đã ban hành kết luận, trong đó nêu rõ gói hỗ trợ được Vietnam Airlines quản trị sử dụng theo đúng mục đích đề ra.
"Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, cụ thể", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Theo đó, gói 12.000 tỷ đồng giúp hãng thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản ngay trong năm 2021, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn người lao động. Đồng thời, tạo niềm tin cho các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp bảo dưỡng sửa chữa tàu bay để đàm phán giãn hoãn thanh toán, giảm giá tiền thuê...
TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI KHÓ "XUÔI CHÈO, MÁT MÁI"
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ cho rằng đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình thế giới, trong nước phát sinh nhiều vấn đề mới đã tác động đến Vietnam Airlines nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại thời điểm xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để xác định khả năng trả nợ khoản vay từ nguồn tái cấp vốn, Vietnam Airlines giả định thị trường nội địa phục hồi về mức của năm 2019 từ năm 2021 và thị trường quốc tế phục hồi vào năm 2023.
Nhờ tiến trình phục hồi “xuôi chèo, mát mái”, năm 2021, dự kiến công ty mẹ Vietnam Airlines lỗ khoảng 9.575 tỷ đồng. Năm 2022 giảm lỗ sâu, chỉ còn 35 tỷ đồng. Từ năm 2023 trở đi sẽ có lợi nhuận sau thuế khá cao: năm 2023 lãi 6.365 tỷ đồng, năm 2024 lãi 6.699 tỷ đồng và năm 2025 lãi 5.027 tỷ đồng, đủ dòng tiền và bù đắp đáng kể các khoản lỗ lũy kế các năm 2020, 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình khó khăn hơn gấp bội, đại dịch kéo dài ròng rã và các yếu tố đầu vào vẫn ở mức cao và bất lợi khiến số lỗ trước thuế của công ty mẹ năm 2022 là 8.841 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu chỉ lỗ 35 tỷ đồng. Năm 2023, công ty mẹ vẫn lỗ trước thuế khoảng 4.789 tỷ đồng, tuy đã giảm lỗ 50% so với năm 2022, nhưng không đạt được như dự báo ban đầu lãi 6.365 tỷ đồng.
"Kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines các năm 2021-2023 cũng tương đồng với hoạt động hàng không toàn cầu bị ngưng trệ và lỗ lớn", lãnh đạo Chính phủ đánh giá.
Hơn nữa, từ giữa năm 2021, Vietnam Airlines bắt đầu xây dựng Đề án tổng thể, bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Trọng tâm là giải pháp phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ với quy mô 22.000 tỷ đồng, chia thành 2 đợt.
Đợt 1 phát hành quy mô 9.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Đợt 2 phát hành quy mô 13.000 tỷ đồng trong năm 2026.
Cùng với đó, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên (giai đoạn 2024-2027).
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines gặp một số vướng mắc, bất cập do cơ chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Vietnam Airlines đã có 13 lần tiếp thu, hoàn thiện nhưng đề án chưa được thông qua.
Đáng nói, các chỉ số tài chính rơi vào trạng thái xấu, hạn chế việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế từ xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, tình trạng âm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines kéo dài sẽ khiến cho số vốn đầu tư gặp khó khăn, dẫn đến rất khó để Vietnam Airlines triển khai được các dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có dự án đầu tư tại Cảng hàng không quốc Long Thành, dự án 50 tàu bay thân hẹp. Đây là các dự án rất quan trọng của Vietnam Airlines để đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.