Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá (sau đây gọi tắt là thí điểm đấu giá biển số).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh của đoàn Bình Định đề xuất quy định một số biển số bắt buộc phải đấu giá, đồng thời đề nghị mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.
“Tôi đã tính toán, nhận thấy có khoảng 2.200 số mà ai cũng công nhận là đẹp, không tính theo quan niệm dân gian hay phong thủy”, ông Cảnh phát biểu.
Vị này liệt kê các nhóm số được người dân công nhận là đẹp theo logic khoa học, bao gồm biển số có 5 số giống nhau (ngũ quý hay ngũ linh – PV), có 4 số giống nhau (tứ quý), có 3 số đầu hoặc 3 số cuối kết hợp với 2 số còn lại tạo ra dãy liên tục, hay 5 số tiến đều…
Về giá khởi điểm trong thí điểm đấu giá biển số, đại biểu Nguyễn Thanh Phương của đoàn Cần Thơ nêu quan điểm cho rằng mức 20-40 triệu đồng là quá thấp, đồng thời đề nghị phải có tiêu chí chọn biển số đấu giá rõ ràng, cụ thể.
Ông Phương băn khoăn chi phí thuê tổ chức thực hiện đấu giá sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước nếu mức giá khởi điểm không được cao. Do đó, đại biểu này đề xuất xem xét mức giá khởi điểm 80 triệu đồng thay vì 40 triệu đồng như hiện tại.
Trong khi đó Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh góp ý dự thảo chỉ nên đưa ra mức giá tối thiểu, đồng thời giao lại quyền quyết định cho HĐND.
“Đấu giá tập trung thì ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách Trung ương hay Bộ Công an. Vì vậy, tốt nhất nên đưa về cho địa phương, giao HĐND quyết định mức giá và giá khởi điểm”, ông Thanh nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, nếu quy định mức giá khởi điểm đấu giá theo vùng là 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng sẽ “loạn cào cào”.
“Vẫn nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước nghèo chứ dân không nghèo, ví dụ Đắk Lắk nghèo chứ dân không nghèo đâu, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng”, ông Trần Sỹ Thanh kết luận.
Liên quan đến nguồn thu từ hoạt động thí điểm đấu giá biển số, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tiếp tục đề xuất tổ chức một số phiên đấu giá trực tiếp công khai vào những dịp đặc biệt như dịp Tưởng niệm nạn nhân tử nạn do tai nạn giao thông.
Tại đây, số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp về ngân sách nhà nước và ghi rõ mục đích phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Nguồn tiền này sẽ được dùng để lắp đặt thêm phản quang trên các tuyến đường, in giới hạn tốc độ xe trên mặt đường…”, ông Cảnh lấy ví dụ.
“Khi nêu mục đích như vậy, người tham gia đấu giá thấy rằng việc đấu giá có mục đích rõ ràng, hướng đến đảm bảo an toàn giao thông và góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Điều này sẽ giúp họ phóng khoáng hơn trong việc chi tiền đấu giá”, đại biểu Cảnh nhấn mạnh.