Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định thay đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước (Nghị định số 48) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Thẩm quyền thuộc các cục nhiều năm qua gây tốn kém
Nghị định số 48 được ban hành ngày 5/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2019. Theo Nghị định 48, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải công bố vùng nước và doanh nghiệp tham gia phải được cơ quan chức năng giao vùng nước hoạt động. Thời gian qua, các loại hình vui chơi dưới nước như: dịch vụ dò chèo tay, chèo thuyền kayak... tại các khu du dịch như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Lan Hạ (Hải Phòng)... được khách du lịch rất yêu thích.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, quá trình thực hiện Nghị định số 48 góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, vùng hoạt động, phương tiện và người lái phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, đảm bảo trật tự, an toàn.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ (Quyết định số 1015) có nêu phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục hành chính về hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước.
Tại Quyết định số 1015 nêu rõ thứ nhất, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính "Chấp thuận hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải (mã TTHC: 2.001219)" từ Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam và UBND cấp tỉnh về sở giao thông vận tải, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 9, 10 Nghị định số 48.
Thứ hai, phân cấp thẩm quyền giải quyết "Nhóm các thủ tục: Đăng ký phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước lần đầu (mã TTHC: 2.001215); Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (mã TTHC: 2.001212); Đăng ký lại phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (mã TTHC: 2.001214); Xóa đăng ký phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (mã TTHC: 2.001211)", từ UBND cấp tỉnh về UBND cấp huyện, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định số 48.
Về vấn đề này, theo phân tích của Bộ Giao thông vận tải, thực tế hiện nay hoạt động vui chơi giải trí dưới nước chủ yếu nằm trong phạm vi của 1 địa phương và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được chấp thuận hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại vùng 1 thường có trụ sở nằm tại địa phương.
"Việc nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục hành chính tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tốn kém thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận.
Bên cạnh đó, "địa phương là cơ quan nắm rõ nhất về tình hình thực tế hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên các tuyến đường thủy thuộc địa bàn quản lý", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Do đó, nếu phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính này từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam về sở giao thông vận tải thực hiện sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, phù hợp với thực tiễn; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 9, 10 Nghị định số 48 với lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2023 là hoàn toàn phù hợp.
"Điều này giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành trên đường thủy nội địa", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý do sở giao thông vận tải không trực tiếp quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước hàng hải nên phải có văn bản lấy ý kiến của Chi cục đường thủy nội địa khu vực hoặc Cảng vụ hàng hải khu vực trước khi chấp thuận vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước hàng hải.
Đồng thời, "khi phân cấp thẩm quyền giải quyết từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam về sở giao thông vận tải, cần có sự kiểm tra, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên luồng đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước hàng hải", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Không cần thiết sửa đổi quy định về đăng ký, quản lý phương tiện
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, theo quy định tại các Điều 20, Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 48, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận, xóa đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước.
Việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước không nhất thiết phải được thực hiện bởi UBND cấp tỉnh, mà có thể ủy quyền, phân cấp cho sở giao thông vận tải, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, việc phân công, phân cấp từ UBND cấp tỉnh cho UBND cấp huyện trong việc đăng ký phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước đã được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định số 48: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký phương tiện; tổ chức quản lý phương tiện thuộc diện được miễn đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân công, phân cấp Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký phương tiện và quản lý phương tiện được miễn đăng ký."
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định số 48 để phân cấp thủ tục hành chính là không thực sự cần thiết.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc giữ nguyên các quy định nêu trên sẽ giữ được tính ổn định đối với quy định pháp luật đã ban hành; đồng thời, đảm bảo phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Khi đó, mỗi địa phương tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể sẽ phân công, phân cấp cho sở giao thông vận tải, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tuy nhiên, quy định có thể không đồng nhất giữa địa phương này với địa phương khác.