Ngày 19/5, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Cập nhật thông tin mới nhất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Thủ tục vay mua nhà ở xã hội quá phức tạp
Đề cập đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đánh giá hiện nay thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều phức tạp.
"Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận nhà đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, tính tiền sử dụng đất... các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê, kiểm toán chi phí...", ông dẫn chứng.
"Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định, chưa kịp thời, thủ tục rất phức tạp, khó đáp ứng được tiêu chí. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng rất khó khăn và kéo dài", ông Quân nhìn nhận.
Tương tự, liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết mặc dù được triển khai từ 1/4 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay này.
"Quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như điều kiện về cư trú và thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", cơ quan quản lý tiền tệ đánh giá.
Cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn.
"Bên cạnh đó, một số dự án chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân", ông nói.
Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng này cho biết còn gặp khó khăn về nguồn vốn để thực hiện cho vay. Ngân hàng Chính sách chỉ được bố trí vốn cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 giai đoạn 2021-2025 là 1.000 tỷ đồng và đã giải ngân số tiền này trong năm 2021.
"Năm 2022-2023, ngân hàng thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11 bằng nguồn 15.000 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2024, ngân hàng không có nguồn vốn để thực hiện cho vay theo Nghị định 100/2015", ông Thuận nói.
Đề xuất thêm gói tín dụng lãi suất dưới 3%/năm
Trong thời gian tới, để đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng hoàn thành mục tiêu tiến độ, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất được thí điểm xây dựng 7 dự án trên toàn quốc với trên 10.000 căn hộ, nguồn vốn của tổ chức công đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng.
"Bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành thêm gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo với mức thu nhập của người lao động", ông nói.
Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.
Về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng.
Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.
Về giải pháp trong thời gian tới đối với doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của đề án.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
"Chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng hoặc gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị định 31/2022", Bộ Xây dựng yêu cầu.