Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa họp công bố kết quả thẩm tra báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT lập.
Kết quả thẩm tra được lập bởi liên danh tư vấn gồm Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học GTVT, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited và Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú.
Sau quá trình nghiên cứu báo cáo của Bộ GTVT, tư vấn thẩm tra đưa ra nhiều luận cứ cho thấy thiết kế đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tốc độ 350 km/h là không hợp lý, đồng thời đề xuất phương án thiết kế tốc độ 250 km/h.
Trang bìa báo cáo thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Liên danh tư vấn kiến nghị lựa chọn tàu tốc độ thiết kế 250 km/h, tốc độ khai thác 225 km/h để chạy hỗn hợp tàu khách và tàu hàng. Dự án sẽ có tổng mức đầu tư 61,67 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2025-2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361 km (23,94% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư 16,58 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội - Đà Nẵng dài 677,2 km (44,91% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư 26,44 tỷ USD.
Giai đoạn 3 (2038-2041), xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng - Nha Trang dài 468,85 km (31,15% tổng chiều dài dự án) để thông toàn tuyến. Tổng mức đầu tư là 18,65 tỷ USD.
Phương án thiết kế tốc độ 250 km/h, tổng mức đầu tư 61,67 tỷ USD mà tư vấn thẩm tra đưa ra gây bất ngờ bởi nó vượt cả phương án tốc độ 320 km/h, tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD mà Bộ GTVT đề xuất.
Tư vấn thẩm tra cho rằng ước tính chi phí giải phóng mặt bằng theo báo cáo của Bộ GTVT là chưa sát thực tế về khối lượng, suất đầu tư, tiềm ẩn rủi ro vượt tổng mức đầu tư của dự án.
Theo trình tự chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Báo cáo được đơn vị tư vấn độc lập tiến hành thẩm tra, làm cơ sở để Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước ra kết luận thẩm định. Dự án sau đó sẽ được trình lên Bộ Chính trị.
Theo báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến đường sắt đôi khổ ray 1.435 mm với tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD), chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2020-2032 với tổng vốn dự kiến 24,7 tỷ USD; giai đoạn 2 năm 2032-2050 với tổng vốn 34 tỷ USD.
Trong đó, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.