Cụ thể, Bình Dương đề xuất Tp.HCM đưa vào quy hoạch làm đường vành đai 5 kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông kết nối giữa Tp.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ rất yếu và thiếu. Hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của vùng, nối từ Tây Nguyên qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Khoảng giữa vành đai 3 và vành đai 4 hiện là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.
Tại Bình Dương, hiện nay hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường vành đai 3 và lan dần sang vành đai 4. Chính vì vậy, theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương, vùng Tp.HCM cần thêm một đường vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay Chính phủ đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, quốc lộ 13C. Nếu không có hướng đầu tư vành đai 5 Tp.HCM từ sớm, từ xa, Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng đánh giá hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng nói chung chưa được liền mạch. Theo đó, vấn đề quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa Tp.HCM với các tỉnh trong vùng, giữa Tp.HCM với Tây Ninh nói riêng là hết sức cấp thiết. Ông Thắng đề nghị Tp.HCM định hướng quy hoạch hạ tầng và dành nguồn lực tập trung để phát triển hành lang quan trọng như cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài, đường Xuyên Á, các hạ tầng đường thủy, đường sắt đảm bảo đồng bộ.