Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Hải Dương cho ý kiến về sự phù hợp đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của địa phương; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến; các nội dung liên quan khác của dự án.
Tuyến đường xuống cấp, thường xuyên ách tắc
Quốc lộ 37 là tuyến đường liên tỉnh nối 8 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La. Điểm đầu tuyến tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại ngã ba Cò Nòi, thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, với tổng chiều dài khoảng 485km.
Trong đó, tuyến Quốc lộ 37 đi qua địa phận tỉnh Hải Dương có tổng chiều dài khoảng 64 km, lần lượt đi qua các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, TP Hải Dương, huyện Nam Sách và TP. Chí Linh.
Đặc biệt, Quốc lộ 37 đoạn Km81+750 - Km99+680 (lý trình cũ Km77+850 – Km93+839) có chiều dài 18,62km, đi qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thuộc địa phận TP. Chí Linh, có vị trí quan trọng, phục vụ vận tải cho các tỉnh ra cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và lên cửa khẩu Lạng Sơn.
Hiện nay, đoạn Km81+750 - Km85+350 đã và đang được đầu tư với quy mô nền đường 19 - 21m, đảm bảo khai thác 4 làn xe cơ giới.
Tuy nhiên, đoạn Km85+350 - Km87+403 đi trùng Quốc lộ 18; đoạn Km87+403 - Km99+680 có mặt đường nhỏ hẹp, mặt đường rộng 5,5-7m, chiều rộng nền đường 7,5- 9 m (tương đương đường cấp IV – V), trong khi đó, lưu lượng phương tiện lớn, lên đến 8.000-10.000 lượt phương tiện/ngày đêm, chủ yếu là xe container và xe tải nặng nên mặt đường xuống cấp, hư hỏng và nguy cơ an toàn giao thông.
Đặc biệt, đoạn tuyến đi qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và khu vực dân cư tập trung thành phố Chí Linh, thường xuyên ách tắc trong các dịp lễ hội, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, vì vậy việc đầu tư tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương.
Trước đây, đoạn tuyến Km81+750 – Km99+680 (theo lý trình cũ Km77+850 – Km93+839) được nghiên cứu, quyết định đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Năm 2011, dự án cũng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2164/QĐBGTVT ngày 30/9/2011, năm 2014 lập đề xuất dự án theo hình thức BOT, năm 2015 Ban quản lý dự án 2 lập hồ sơ đề xuất dự án, năm 2022 Sở Giao thông vận tải Hải Dương lập hồ sơ đề xuất dự án; thế nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai đầu tư đồng bộ.
Do đoạn Km81+750 - Km87+403 đạt quy mô 4 làn xe hoặc đi trùng Quốc lộ 18, nên tại báo cáo này đề xuất nghiên cứu nâng cấp đoạn Km87+403- Km99+680/Quốc lộ 37, từ nút giao với Quốc lộ 18 đến giáp ranh tỉnh Bắc Giang.
Đưa vào sử dụng sau 2 năm từ ngày khởi công
Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, Cục Đường bộ Việt Nam có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn từ Km87+403 - Km99+680, tỉnh Hải Dương.
Dự án có điểm đầu tại Km87+403/Quốc lộ 37 giao với Quốc lộ 18 (tại Km37+750/Quốc lộ 18); điểm cuối tại Km99+680/Quốc lộ 37 giáp ranh với tỉnh Bắc Giang.
Tổng chiều dài tuyến xây dựng khoảng 12km nằm trên địa bàn TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 2.297 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án sẽ được nâng cấp theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2-4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó đoạn Km87+403 - Km92+900 có chiều rộng nền đường 20,5m (4 làn xe cơ giới); đoạn Km92+900 - Km99+680 có chiều rộng nền đường 12m (2 làn xe cơ giới); không đầu tư đoạn Km81+750 - Km87+403.
Hướng tuyến nghiên cứu cơ bản bám theo đường cũ hiện tại, chỉ cải nắn cục bộ để đảm bảo hướng tuyến được hài hoà, êm thuận và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 2.297 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 414 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.632 tỷ đồng, được đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2025-2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 4/2024, hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Về phương án bố trí vốn, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất trong năm 2023 bố trí kinh phí chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng khoảng 500 tỷ đồng; năm 2024: giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng khoảng 1.300 tỷ đồng; năm 2025- 2026: hoàn thành công trình; nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng khoảng 497 tỷ đồng.
Dự án do Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò là cấp quyết định đầu tư; chủ đầu tư là Cục Đường bộ Việt Nam; tổ chức quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 3; tiểu dự án giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Hải Dương đảm trách.