Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng).
Theo đánh giá của công ty tư vấn, thời gian vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh và bền vững. Theo đó, tăng trưởng sản lượng hành khách quốc tế trong cả giai đoạn 2015 - 6 tháng năm 2022 vô cùng ấn tượng, trung bình đạt 311%, còn hành khách nội địa đạt 18,8%.
Cũng trong trong thời gian qua và trong tương lai, TP. Hải Phòng đang thúc đẩy thương mại với các nước đặc biệt các tập đoàn sản xuất máy bay như Boeing đặt nhà máy sản suất linh kiện ở Hải Phòng dẫn đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ đón một làn sóng lớn các hãng hàng không quốc tế mở đường bay mới đến với Hải Phòng và các hãng hàng không truyền thống mở rộng mạng lưới và tăng tần suất chuyến bay.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các hãng hàng không nội địa đó là sự lớn mạnh của Vietnam Airlines, việc tái cơ cấu thành công của Jetstar Pacific và đặc biệt là sự phát triển thần kỳ của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air và sự tham gia của hãng hàng không Bamboo Airways, cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển cho sân bay Cát Bi.
Tuy nhiên, "nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo trước đây và điều chỉnh Quy hoạch được duyệt năm 2014 không còn phù hợp với Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cũng và đang được điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ", đơn vị tư vấn phân tích.
Cũng theo phân tích của đơn vị tư vấn, hiện nay, tất cả các cảng hàng không lớn của Việt Nam như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... đều có 2 đường cất hạ cánh.
Hai đường cất hạ cánh này sẽ đảm bảo cho hoạt động của cảng hàng không được hiệu quả và an toàn hơn rất nhiều, đặc biệt là trong trường hợp có một đường cất hạ cánh bị hư hỏng hoặc vì một lý do nào đó như máy bay bị hỏng động cơ, sự cố an ninh hàng không trên khu bay... bắt buộc phải đóng cửa 1 đường cất hạ cánh thì đường cất hạ cánh còn lại sẽ được khai thác chính.
Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất thứ nhất, về phương án quy hoạch các công trình khu bay, giữ nguyên đường cất hạ cánh hiện hữu kích thước 3050x45m; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 cách đường cất hạ cánh hiện hữu 275m kích thước 3050x45m. Ngưỡng đường cất hạ cánh số 2 dịch 250m so với ngưỡng đường cất hạ cánh hiện hữu.
Giữ nguyên quy hoạch đường lăn song song, các đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh từ đường cất hạ cánh hiện hữu vào đường lăn song song, từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay; quy hoạch 02 đường lăn thoát nhanh, 06 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh mới với đường cất hạ cánh hiện hữu, Quy hoạch 04 đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ mở rộng.
Quy hoạch hệ thống sân đỗ máy bay đảm bảo khai thác 18 triệu hành khách/năm; quy hoạch sân đỗ máy bay cho nhà ga hàng hóa và hangar (khu bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay) về phía Tây sân đỗ hiện hữu; quy hoạch các công tình phục vụ đảm bảo đồng bộ khai thác.
Thứ hai, quy hoạch các công trình khu hàng không dân dụng theo hướng giữ nguyên hiện trạng nhà ga T1 đang khai thác, xây dựng mới nhà ga T2 đảm bảo công suất nhà ga T1, T2 đạt 13 triệu hành khách/năm.
"Quy hoạch xây dựng mới nhà ga hành khách T3 công suất 5 triệu hành khách/năm về phía Tây nhà ga hiện hữu có dự trữ đất mở rộng nâng tổng cống suất nhà ga đạt 18-20 triệu hành khách/năm", tư vấn đề xuất.
Giữ nguyên quy hoạch nhà ga hàng hóa; quy hoạch hangar về phía Tây nhà ga hiện hữu; giữ nguyên vị trí đài kiểm soát không lưu như hiện trạng.
Phân tích ưu điểm của phương án trên, đơn vị tư vấn cho rằng hai đường cất hạ cánh cách nhau 275m, không đảm bảo đủ khoảng cách để bố trí thêm hệ thống đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh dẫn đến khó nâng cao được năng lực khai thác của cảng hàng không trong tương lai.
Đồng thời, bố trí được hệ thống đường lăn, sân đỗ và các khu phục vụ hàng không theo tiêu chuẩn quy định; quản lý điều hành bay thuận lợi do toàn bộ các công trình nằm chung một phía của sân bay; thuận lợi trong quá trình xây dựng, ít ảnh hưởng đến hoạt động của cảng hàng không hiện tại.
Cùng với đó, diện tích quy hoạch chủ yếu nằm trong diện tích đất quy hoạch được phê duyệt, phần diện tích lấy thêm để phục vụ xây dựng đường cất hạ cánh số 2 không lớn; kinh phí đầu tư nhỏ đảm bảo kinh tế kỹ thuật.
Tuy nhiên, "diện tích quy hoạch nằm toàn bộ trên diện tích đất quân sự khu vực phía Bắc sân bay, kinh phí hoàn trả lại các công trình quân sự sang phía Nam sân bay", đơn vị tư vấn nêu rõ hạn chế.
Hơn nữa, nhà ga hành khách T3 nằm tách biệt với nhà ga hành khách T1, T2 dẫn đến liên kết giữa các nhà ga gặp nhiều khó khăn. Do kết nối giao thông khu hàng không dân dụng với giao thông đối ngoại thông qua đường Bùi Viện và đường Lê Hồng Phong dẫn đến lưu lượng giao thông lớn dễ xảy ra hiện tượng ùn tắc.
Ngoài ra, do hoạt động hàng không tập trung phía Nam tiếp giáp với khu dân cư đông đúc ảnh hưởng tiếng ồn đến khu dân cư.
Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có diện tích 15.630 m2, được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016. Nhà ga cũ có diện tích 2.400 m2 được chuyển làm nhà ga hàng hoá. Với diện tích hiện tại, sân bay Cát Bi đang gặp nhiều hạn chế về không gian, nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Công suất nhà ga T1 hiện là 2 triệu hành khách/năm, tập trung cho đường bay quốc tế.