Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi). Quy định sở hữu nhà với người nước ngoài, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ... được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận.
Người nước ngoài mua nhà phải thông qua sàn giao dịch
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) ủng hộ việc mở rộng đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, ông cho rằng để đảm bảo quản lý chặt chẽ và công tác bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, đề nghị bổ sung việc người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở thì phải thông qua một tổ chức trung gian môi giới được cấp phép để tiện quản lý.
Ông cũng đề nghị bổ sung thời hạn sở hữu nhà với người nước ngoài ở Việt Nam chứ không được phép sở hữu vĩnh viễn. "Chúng ta cần giới hạn thời điểm và thời gian sở hữu để bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia", ông nói.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cho thuê, bán lại nhà ở khi mua tại Việt Nam nhưng phải thông qua một tổ chức trung gian được cấp phép như việc mua bán. Điều này nhằm tránh việc người nước ngoài đi ngầm, trốn thuế...
"Hiện tại có việc nhiều tổ chức nước ngoài có thiện chí, sau khi sở hữu nhà, họ muốn trao tặng, thừa kế cho chính người Việt Nam vì mục đích nhân đạo. Tôi cho rằng cần bổ sung quy định này", ông nói.
Thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung nhiều phương thức quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư so với dự thảo hiện hành chỉ quy định một phương thức sở hữu là theo kết quả thẩm định.
"Nên bổ sung ít nhất 3 hình thức sở hữu. Một là không xác định thời hạn; hai là xác định thời hạn theo thời hạn sử dụng đất; ba là các bên tự thỏa thuận với nhau, không nên giới hạn một hình thức cụ thể. Song song với việc bổ sung thêm thì cần có quy định hết thời hạn thì trách nhiệm pháp lý thế nào", ông nói.
Quy định rõ tỷ lệ đất xây nhà ở xã hội
Về chủ đề nhà ở xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho biết đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đang quy định là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông đánh giá hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Cũng tại dự thảo Luật Nhà ở có quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm “nhà ở xã hội” trong quy định này, bởi khái niệm nhà lưu trú công nhân chưa có trong các quy định khác.
Đại biểu phản ánh thực tế hiện nay việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu dẫn dự thảo quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.
Đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ ràng, chưa định lượng cụ thể được dành “tỷ lệ nhất định” là bao nhiêu, dẫn đến không thống nhất trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần quy định rõ tỷ lệ cụ thể để đảm bảo tính rõ ràng trong văn bản pháp luật, giúp các địa phương triển khai một cách nhất quán, đồng bộ.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần có sự tham gia của UBND cấp tỉnh để đảm bảo điều kiện nhà ở cho người dân địa phương. Đồng thời, việc quy định cũng cần có mức độ can thiệp hợp lý, không hành chính hóa thái quá, can thiệp quá sâu dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản của địa phương.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đối chiếu với các loại quy hoạch đang thực hiện như quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh để đảm bảo hài hòa, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu cho rằng Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến đã nêu trong phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức, quy định trong dự thảo luật cơ bản khắc phục được những vướng mắc hiện tại. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng.