Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản công tại doanh nghiệp (Nghị định số 151).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 151 và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy còn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị định.
Nhiều vướng mắc khi thực hiện
Bộ Tài chính chỉ rõ một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như: trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi...
Ngoài ra một số trường hợp áp dụng theo trình tự, thủ tục xử lý tài sản công như quy định hiện hành chưa phù hợp như: xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể do quy trình xử lý tài sản công hiện hành được xuất phát từ cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý.
Tuy nhiên, "trong các trường hợp này, có thể cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại do đã bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục xử lý tài sản công thông thường", Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.
Bên cạnh đó, các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế…
Sửa quy định tài sản trong kinh doanh, cho thuê
Tại dự thảo lần 2, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã trình sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.
Đáng chú ý, về xác định tài sản công được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, tại Nghị định đã bổ sung quy định (sửa đổi khoản 1 Điều 42) xác định rõ: "Tài sản công được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định tại Điều 41a Nghị định này nhưng chưa sử dụng hết công suất mà đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng khác không thuộc phạm vi phục vụ của đơn vị thì được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57, 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46, 47 Nghị định này".
Về việc thu tiền thuê đất khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 151, trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, kể từ thời điểm có quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh hoặc kể từ thời điểm ký hợp đồng cho thuê, hợp đồng liên doanh, liên kết.
Tuy nhiên, "trên thực tế thực hiện, các đơn vị gặp vướng mắc trong quá trình xác định do nhiều đơn vị thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất nên cơ quan thuế không có cơ sở để xác định tiền thuê đất; không có cơ sở để xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết", Bộ Tài chính nêu rõ khó khăn.
Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bỏ quy định về nộp tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
"Thay vào đó sẽ bổ sung quy định khi đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì đơn vị sự nghiệp công lập phải nộp một khoản tiền vào ngân sách nhà nước, khoản tiền này được xác định bằng 2% doanh thu từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết", Bộ Tài chính đề xuất.
Thời gian qua, nhiều đơn vị trong quá trình sử dụng đất là tài sản Nhà nước, tài sản công để cho thuê mặt bằng sai quy định về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, tài sản công, quản lý thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra gần 17.000 m2 "đất vàng" Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cho thuê sai quy định. Theo quy định, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình sử dụng đất để cho thuê mặt bằng thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, đơn vị không thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp để nộp ngân sách nhà nước. Số tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa nộp giai đoạn 2009 - 2018 (tạm tính) khoảng 485 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến nhiều nội dung sửa đổi khác như: quy định về mua sắm quản lý, sử dụng vật tiêu hao; giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước; xử lý vật tư, vật liệu thu hồi được trong quá trình bảo dưỡng tài sản công; khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và tài sản công có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền...
Bên cạnh đó cũng sửa đổi những nội dung về việc lấy ý kiến của cơ quan tài chính trước khi cấp có thẩm quyền quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc; việc xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá trụ sở làm việc; việc chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý; việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể; tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; mua sắm tập trung…