Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/9/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại .
Theo đó, đối tượng áp dụng thông tư được dự kiến sửa đổi, bổ sung lại ngắn gọn, chặt chẽ hơn, gồm: Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thực hiện nhập khẩu xe không nhằm mục đích thương mại trừ xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ, xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết thường trú tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu, nhập khẩu miễn thuế của các đối tượng quy định trên (gọi tắt là người mua xe); cơ quan hải quan , công chức hải quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Về điều kiện xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu, tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định: Các đối tượng được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan, nếu nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 01 năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 01 xe ô tô và 01 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng.
Dự thảo đề xuất sửa đổi lại như sau: Chính sách quản lý xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo loại hình cho, tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Cụ thể, hàng hóa là tài sản di chuyển; hành lý cá nhân; hàng hóa phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao; quà biếu, quà tặng, hàng mẫu thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, dự thảo đề xuất sửa đổi lại quy trình được cho là chặt chẽ hơn với quy định tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC. Cụ thể, ngoài quy định khá chi tiết các loại giấy tờ trong hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu, dự thảo còn đề xuất trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu tương đối chặt chẽ, bài bản.
Địa điểm làm thủ tục là Chi cục Hải quan. Tại đây, người khai hải quan khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai hải quan, khai chi tiết thông tin về phương tiện nhập khẩu theo mẫu và gửi các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Hải quan (đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan giấy); tiếp đó, Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ quy định và đối chiếu với các quy định hiện hành liên quan đến từng đối tượng.
Về nội dung kiểm tra, dự thảo đề xuất: Kiểm tra, đối chiếu để xác định có thuộc trường hợp được tạm nhập khẩu, nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định; trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, nếu có đủ cơ sở xác định trị giá do người khai hải quan kê khai là chưa đúng, không phù hợp với hàng hóa thực tế thì phải xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định, xử lý vi phạm (nếu có), ban hành thông báo xác định trị giá hải quan.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành thông báo xác định trị giá hải quan, nếu người khai hải quan không khai bổ sung về trị giá thì ban hành quyết định ấn định thuế trên cơ sở trị giá hải quan đã được ghi trên thông báo xác định trị giá hải quan; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm làm thủ tục hải quan trong thời gian chờ kết quả kiểm tra của cơ quan đăng kiểm.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để được đưa hàng về bảo quản theo quy định thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, chi cục nơi đăng ký tờ khai phân công công chức theo dõi, hải quan tra cứu kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành trên cổng thông tin một cửa quốc gia, khi có kết quả kiểm tra phải yêu cầu ngay tổ chức, cá nhân thực hiện khai bổ sung (nếu có) và thông quan hàng hóa theo quy định.
Quả thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, tổ chức, cá nhân không tiến hành tiếp thủ tục hoặc cơ quan hải quan có thông tin về việc tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định về bảo quản hàng hóa thì chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện kiểm tra việc mang hàng về bảo quản, nếu tổ chức, cá nhân không lưu giữ xe tại địa điểm đã đăng ký bảo quản hoặc xe đã được bán thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng theo dự thảo, chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với xe ô tô (GCNOTO) và Giấy kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chất lượng (GCNXM), người khai hải quan nộp 01 bản chính GCNOTO, GCNXM.
Trường hợp cơ quan kiểm tra chất lượng quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
Trường hợp Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô), Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy/động cơ xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy), GCNOTO, GCNXM nhập khẩu được cơ quan kiểm tra chất lượng gửi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan;
Khi nhận được GCNOTO của cơ quan kiểm tra chất lượng gửi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc do người khai hải quan nộp thì chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu kiểm tra đối chiếu kết quả và thông tin khai trên tờ khai hải quan, nếu có khác biệt thì thông báo yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung thông tin theo kết quả kiểm tra; trường hợp có sự khác biệt dẫn đến làm thay đổi trị giá của hàng hóa thì xác định lại trị giá hải quan theo quy định, ban hành thông báo trị giá, quyết định ấn định thuế, thu đủ thuế trước khi thông quan hàng hóa.