Trong 20 năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc thu hút đầu tư, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhưng thực tế không mấy doanh nghiệp quan tâm đối với phân khúc này.
Tại hội thảo “Cơ chế chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM theo quan điểm liên kết vùng”, diễn ra cuối tuần qua, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng khi bàn về nhà ở xã hội, cần xác định rõ giải quyết nhà ở cho ai? Đó là công nhân trong các khu công nghiệp; đó là những người có thu nhập thấp, nhập cư mà không có điều kiện mua nhà.
“Do vậy, không nên sa đà vào các khái niệm, cách làm của các nước mà cần xem xét điều kiện của họ và chúng ta, có thể tiếp thu được gì để tìm ra giải pháp thực tế", ông Nguyên nói.
Các diễn giả tham dự hội thảo “Cơ chế chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM theo quan điểm liên kết vùng”, do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức - Ảnh: BC.
Theo tính toán của nhóm tác giả Trung tâm mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - HIDS), nhu cầu nhà ở xã hội của TP.HCM sẽ đạt gần 58.000 căn hộ đến năm 2030.
Trong khi quỹ đất tại TP.HCM khan hiếm, thành phố có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội, PGS.TS Trần Văn Khải, Giảng viên trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, gợi ý.
“TP.HCM liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống đảm bảo”, ông Khải nêu.
Đồng quan điểm, TS Dư Phước Tân (HIDS), cho rằng có thể khai thác 2.400ha quỹ đất sau khi hoàn thành đường vành đai 3. Riêng TP.HCM có 500ha đất của Nhà nước. Tuy nhiên, khi hoàn thành vành đai 3 thì giá đất cũng tăng lên, nên việc thu hồi đất cũng rất nan giải. Nếu liên kết được nhà đầu tư với quỹ đất thì tiềm năng phát triển xã hội lớn, vấn đề quan trọng là khai thác như thế nào?
Ths Nguyễn Anh Đào, thành viên nhóm tác giả, cho rằng với dự án vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… sẽ giúp khoảng cách di chuyển giữa các địa phương được thu hẹp. Nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán giá thấp hơn so với TP.HCM.
Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển tốc độ cao, nhanh chóng sẽ giúp người dân sinh sống ở trong vùng có thể đến TP.HCM làm việc một cách thuận lợi. Khi khoảng cách không còn là vấn đề phải cân nhắc trong việc lựa chọn nơi cư trú thì việc chuyển nhà ở từ TP.HCM ra các tỉnh trong vùng là xu hướng tất yếu.
Như vậy, để khai thác quỹ đất làm nhà ở xã hội hiệu quả cần phải làm tốt giao thông kết nối. Đặc biệt, các phương tiện vận chuyển lớn như hệ thống đường sắt, xe buýt nhanh BRT và đây là cơ sở để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị với giao thông công cộng), TS Phạm Trần Hải, Phó phòng Quản lý đô thị (thuộc HIDS), bổ sung thêm.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia đô thị tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS đồng tình với giải pháp phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo định hướng liên kết vùng về các mặt: quy hoạch, kết nối giao thông và chia sẻ nguồn lực lẫn nhau giữa các địa phương.
Vấn đề nhà ở xã hội cho người dân đã được Chính phủ rất quan tâm đầu tư. Ngoài việc trực tiếp đầu tư, cơ chế Nhà nước cũng đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đẩy nhanh thực hiện 08 dự án nhà ở xã hội tại quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.