Câu hỏi về việc tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương là vấn đề được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo chiều 17/10 về dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết vừa qua, Trung ương đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở. Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,49 triệu đồng), tăng khoảng 20,8%; mức tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH với đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%...
Tăng lương cơ sở xong sẽ tính cải cách tiền lương
Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.
Theo ông Mai, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019 của Chính phủ. Cụ thể, phải tính các mức, khoản sinh hoạt phí, khoản trích theo chỉ tiêu lạm phát các năm.
“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, ông Mai thông tin.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.
Trả lời thêm nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc lại việc Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.
“Tuy nhiên, 2 năm qua chúng ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước vì chưa có nguồn tăng lương, dành nguồn lực đó cho công tác phòng chống dịch”, theo lời ông Cường.
Hiện nay, ông cho biết kinh tế đã có sự phục hồi, tăng trưởng cũng đã có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, chúng ta tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương.
“Tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia. Chúng ta phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người”, ông Cường nói.
Kiến nghị cơ chế riêng xử lý vi phạm trong giai đoạn chống dịch
Cũng tại buổi họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai lý giải về việc Ủy ban này đã kiến nghị có cơ chế riêng xem xét việc xử lý vi phạm trong giai đoạn cấp bách chống dịch. Theo ông Mai, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 tại các địa phương cho thấy có tâm tư của người trực tiếp chống dịch.
Ông Mai cho rằng trong hoàn cảnh "chống dịch như chống giặc", tình huống rất cấp bách thì nhiều việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi, nên quá trình thực hiện sẽ không theo đúng quy định của pháp luật. “Như việc mua sắm vật tư, thiết bị, sinh phẩm, miễn có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch", theo lời ông Mai.
Ông cũng lưu ý dịch Covid-19 là vấn đề chưa từng có tiền lệ, cơ quan chức năng cũng nhận thức được cần có quy định để xử lý người có liên quan, trong khi đó chúng ta cũng chưa có các quy định cho phù hợp đối với vấn đề này.
“Khi xử lý vi phạm cần xác định đúng bản chất, đúng hoàn cảnh, trong đó quan trọng nhất là xác định có mục đích cá nhân không. Việc này giúp động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, đồng thời nếu sau này có đợt dịch tiếp theo thì những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông Mai nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết báo cáo của Chính phủ đã có tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 30, tuy nhiên, cần bổ sung thông tin, số liệu liên quan và các kiến nghị phải có giải trình rất cặn kẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết để trình ra để kỳ họp tiếp theo, có thể là kỳ họp bất thường cuối năm, lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức về đề xuất cân nhắc hoàn cảnh vi phạm pháp luật để xử lý cho phù hợp.