Sáng 8/11, các doanh nghiệp bất động sản lớn có mặt tại Văn phòng Chính phủ ở TP.HCM để tham dự cuộc họp cùng Chính phủ và Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất. Do đó, trong lúc này, cần có các giải pháp cấp bách hơn.
Cần gỡ pháp lý và nguồn vốn
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn để thí điểm tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng, qua đó tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.
HoREA kiến nghị chọn 10 doanh nghiệp để thí điểm gỡ vướng pháp lý, tạo cú hích cho thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo ông Châu, cần sớm có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.
Với phân khúc nhà ở xã hội, HoREA đề nghị các tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000.
Còn các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021 nên được tiếp tục thực hiện mà không cần phê duyệt lại.
Song song đó, hiệp hội đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp về cả tín dụng lẫn trái phiếu.
"Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động
Trong báo cáo tóm tắt cho cuộc họp, Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tình sử dụng đất.
Mặt khác, song song với việc khó tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp cũng phải chịu sức ép chi phí khi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng cao.
"Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn đầu tư, thi công một số dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO...
Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động", Bộ Xây dựng cho biết.
Còn theo ghi nhận của HoREA, có doanh nghiệp còn phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao để giải quyết nguồn vốn.
Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho biết Tập đoàn Đất Xanh đã dời kế hoạch mở bán dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương từ quý III/2022 sang năm 2023 và Lux Star tại TP.HCM từ quý IV năm nay sang năm sau.
Tương tự, một dự án tại khu đô thị Vạn Phúc City đã “lùi” kế hoạch mở bán vào năm sau. Hay một "ông lớn" bất động sản khác cũng tạm dừng kế hoạch mở bán hai dự án, một ở Đồng Nai và một ở Cần Thơ sang 2023 thay vì cuối năm nay như kế hoạch trước đó.