Tại Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, cùng với tác động khách quan khác đã khiến kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều thách thức lớn, các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng giá trị của các biện pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã lên đến khoảng 700.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm nay là khoảng 68.000 tỷ đồng. Trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6 khoảng 25.000 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 khoảng 42.500 tỷ đồng; giảm phí, lệ phí khoảng 100 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023 trong đó có mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.
Tuy nhiên dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Cùng với đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp cho năm 2024.
Cụ thể, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%; gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2%, Chính phủ gửi tờ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất VAT 10% trong 6 tháng cuối năm nay.
Cụ thể, thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Theo tính toán của Chính phủ, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất VAT cho 6 tháng cuối năm sẽ khiến cả nước giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương 4.000 tỷ đồng/tháng. Trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.500 tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng.
Trong 3 tháng đầu năm, số thuế VAT được giảm theo chính sách này là khoảng 11.488 tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế VAT ở khâu nhập khẩu giảm khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng, còn khâu nội địa khoảng 2.500 tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, dự kiến số thu giảm khoảng 23.488 tỷ đồng.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 47.488 tỷ đồng.