Ngày 31/5/2024, Chính phủ chính thức trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Chính phủ đề xuất dự thảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Báo cáo nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển, đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. Trong khi, theo quy hoạch vùng miền Trung, Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.
4 CHÍNH SÁCH MỚI PHÙ HỢP VỚI PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ AN
Theo ông Dũng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính- ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Trong số này, có 2 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương, 8 chính sách cũng được áp dụng tại các địa phương khác nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất 4 chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.
Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 2:Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 3:Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 4: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).
GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG NGUỒN LỰC CHO TỈNH NGHỆ AN
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo là cần thiết, có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Về nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc tương tự nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình.
Cụ thể về chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (khoản 5 Điều 4), ông Mạnh cho biết đa số ý kiến Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách.
Theo phân tích của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, việc tách riêng công tác bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án. Chính sách này đã được áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và ở một số dự án, đã phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương (khoản 2 Điều 3), dự thảo Nghị quyết quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”.
Đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với dự thảo Nghị quyết bởi việc áp dụng chính sách sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Đây là các địa bàn có tiềm năng về tài nguyên, du lịch gắn với văn hóa nhưng có tỉ lệ hộ nghèo cao so với các huyện đồng bằng và đô thị. Theo đó, việc có cơ chế bổ sung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn này là cần thiết và phù hợp. Chính sách này tương tự với chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ bảo tồn di sản Huế).
Về cơ chế chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị (Khoản 1 Điều 5), Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội nhất trí với dự thảo chính sách bởi phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Điều này cũng phù hợp với khoản 26 Điều 79 của Luật Đất đai (sửa đổi) trong việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, áp dụng đối với: “Dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển”.
Không những thế còn khắc phục được một số hạn chế trong khai thác lợi thế chênh lệch địa tô từ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần tăng thêm nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong thu hồi đất để khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng đất sau khi đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị.
Song, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định việc thu hồi, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư (khoản 2 Điều 4), dự thảo Nghị quyết quy định: “Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất”.
Ông Mạnh cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội nhất trí với dự thảo Nghị quyết vì việc tăng cường phân cấp và trao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất là cần thiết, đặc biệt trong thời gian HĐND tỉnh không họp, bảo đảm tính kịp thời đối với việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công theo thẩm quyền của địa phương. Quy định như trên cũng tương tự như quy định tại Dự thảo Luật Thủ đô.
Một số ý kiến đề nghị, chỉ cho phép trong trường hợp cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh cục bộ. Theo đó, đề nghị quy định theo hướng: “Trong trường hợp cần thiết, giữa 2 kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C…”.