Cụ thể, 15 ngày đầu tháng 12, xuất khẩu cả nước đạt hơn 13,62 tỷ USD. 4 nhóm hàng đạt được kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện thoại và linh kiện đạt; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Tính chung từ đầu năm đến 15/12 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 355,82 tỷ USD. Có 8 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng mới đạt kết quả ấn tượng này là thủy sản với 10,52 tỷ USD.
Điện thoại và linh kiện vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu với 56,655 tỷ USD. Các nhóm hàng còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 đạt 13,96 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/12 lên 345,465 tỷ USD.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 701,3 tỷ USD. Cả nước xuất siêu 10,354 tỷ USD.
Với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc mới 700 tỷ USD, hiện Việt Nam nằm trong nhóm khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu, trong khi ở khu vực ASEAN đứng vị trí thứ 2 (sau Singapore).
Như vậy, xuất nhập khẩu năm 2022 đã tiếp tục ghi dấu một kỷ lục mới. Năm 2023, Bộ Công Thương dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu chưa thể khắc phục ngay. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của các nước, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới với giá cả ngày càng cạnh tranh. Các Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Bộ Công Thương đã đặt ra 1 số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thông tin về các FTA. Đây được coi là công cụ dài hạn để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung vào các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, nhất là khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song song với đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của kênh thương mại điện tử - công cụ mà ta đã tận dụng rất tốt những năm vừa qua. Đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, nỗ lực giảm chi phí logistics để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.