Bộ Tài chính nhận định giai đoạn 2021 – 2023, công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch), trong đó vay của ngân sách trung ương khoảng 1,279 triệu tỷ đồng (đạt 44,1% kế hoạch). Vay của Chính phủ chủ yếu huy động với kỳ hạn dài (kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ giai đoạn 2021-2023 từ 12,6-13,92 năm, đảm bảo mục tiêu 9-11 năm); lãi suất ưu đãi và tập trung vào vốn vay trong nước.
Trả nợ thực hiện theo đúng cam kết, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906,7 nghìn tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch).
Giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 5 triệu tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước bình quân 17,9%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 14,5%GDP. Thu nội địa lũy kế 03 năm ước đạt 4,1 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 58% kế hoạch, chiếm tỷ trọng bình quân 82% tổng thu ngân sách nhà nước; thu dầu thô ước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu 5 năm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tương ứng đạt khoảng 65% kế hoạch.
Tổng chi 3 năm khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, bình quân các năm 2021- 2023, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 30%, chi thường xuyên ở mức 57% tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn.
Cụ thể, nợ công khoảng 4 triệu tỷ đồng, khoảng 39-40% GDP, giảm từ mức 42,7% GDP năm 2021.
Nợ Chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, khoảng 36-37% GDP, giảm từ mức 38,7% GDP năm 2021. Về cơ cấu nợ của Chính phủ: đến cuối 2023, nợ trong nước chiếm 73% dư nợ Chính phủ, tăng từ mức 67% năm 2021.
Nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, khoảng 37- 38% GDP, tương đương với mức 38,1% GDP năm 2021. Trong cơ cấu dư nợ nước ngoài của quốc gia, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng từ mức 61,4% năm 2021 lên 70,7% năm 2023, nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài giảm từ mức 38,6% năm 2021 xuống 29,3% năm 2023.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, giảm nhẹ so với mức 21,5% năm 2021.
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khoảng 7-8%, tăng so với mức 6,2% năm 2021 do trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu thắt chặt, lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp ít vay mới, chủ yếu trả nợ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng phát sinh một số khó khăn, hạn chế như quy mô thị trường Trái phiếu Chính phủ trong nước chưa phát triển, điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn trong khi áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển lớn.
Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán; công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cần được tiếp tục củng cố.