Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cần thiết điều chỉnh quy hoạch
Văn bản do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng ký nêu rõ theo Quyết định 347/2015 ngày 29/1/2015, đến năm 2030, Cảng Hàng không quốc tế Vinh được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sân bay quân sự cấp I; lượng hành khách tiếp nhận 7 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa 22.000 tấn hàng hóa/năm.
Định hướng sau năm 2030 là cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; sản lượng hành khách tiếp nhận đạt công suất 10 triệu khách/năm, sản lượng hàng hóa 62.000 tấn hàng hóa/năm.
Thực tế, trong thời gian qua, Cảng Hàng không quốc tế Vinh đã có sự tăng trưởng rất nhanh. Nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải, lượng khai thác thực tế đã vượt xa so với dự báo trước đây. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết.
Tuy nhiên, Quyết định số 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định: "Cảng hàng không quốc tế Vinh giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất thiết kế là 8 triệu khách/năm".
Cùng với đó, theo hồ sơ quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 13833, Cảng Hàng không quốc tế Vinh cũng được xác định mở rộng để đạt công suất 8 triệu khách/năm trong giai đoạn đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục mở rộng để đạt 14 triệu khách/năm.
Do đó, cần phải được nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch ngay từ bây giờ, nhằm phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cũng đã và đang được điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng trưởng của ngành hàng không.
Đề xuất xây mới nhà ga T2 quốc nội
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất đề xuất quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Vinh giai đoạn đến 2030 là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp I.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng được quy hoạch đón 14 triệu khách/năm và 35.000 tấn hàng hóa/năm.
Tổng số vị trí đỗ tàu bay 40 vị trí. Loại tàu bay khai thác: B747, B787, A350 và tương đương.
Giai đoạn đến 2030, cảng có công suất 8 triệu khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay: 25 vị trí; loại tàu bay khai thác: B747, B787, A350 và tương đương.
Đối với đường cất, hạ cánh, giai đoạn đến 2030, giữ nguyên đường cất, hạ cánh hiện hữu kích thước 2.400m x 45m. Cải tạo, sửa chữa khi có nhu cầu đồng thời xây dựng đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.000x45m.
Tầm nhìn đến năm 2050, giữ nguyên theo quy mô đã xây dựng tại giai đoạn trước.
Về sân đỗ tàu bay, tờ trình của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ: "Giai đoạn đến năm 2030 có thể tiến hành cải tạo, mở rộng sân đỗ máy bay hiện hữu đạt công suất 4 -5 triệu khách/năm nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác trong giai đoạn trước mắt (giai đoạn đến năm 2025) hoặc xây dựng mới ngay sân đỗ máy bay đồng bộ với nhà ga hành khách T2 xây mới tại khu vực giữa 2 đường cất hạ cánh đạt công suất 8 triệu hành khách/năm (giai đoạn đến năm 2030). Số vị trí đỗ dự kiến là 25".
Sau khi đưa nhà ga T2 vào khai thác quốc nội, tiến hành chuyển đổi công năng nhà ga T1 hiện hữu thành khai thác quốc tế, sân đỗ máy bay hiện hữu thành sân đỗ của nhà ga quốc tế, hàng không chung và dự phòng vị trí đỗ qua đêm.
Về nhà ga hành khách, giai đoạn đến 2030, tiến hành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách T1 đạt công suất 4 -5 triệu hành khách/năm nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác trong giai đoạn trước mắt (giai đoạn đến năm 2025) hoặc xây dựng mới ngay nhà ga hành khách T2 xây mới tại khu vực giữa 2 đường cất hạ cánh đạt công suất 8 triệu hành khách/năm (giai đoạn đến năm 2030), có thể phân kỳ đầu tư nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác. Có dự trữ đất phía Bắc của nhà ga để có thể mở rộng khi có nhu cầu.
Sau khi đưa nhà ga T2 vào khai thác quốc nội, tiến hành chuyển đổi công năng nhà ga T1 hiện hữu thành khai thác quốc tế...