Sau đại dịch Covid-19, năm 2022 đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch. Theo Niêm giám thống kê 2022, số lượt người nước ngoài đến Việt Nam năm 2022 đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước.
Trong số đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.277,2 nghìn lượt người, chiếm 89,5% số lượt người nước ngoài đến Việt Nam, gấp 29,5 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường thủy đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần.
Xét theo vùng, lãnh thổ, khách đến từ châu Á trong năm qua tăng mạnh nhất, gấp 19,5 lần năm trước, đạt 2.595,8 nghìn lượt người. Tiếp đến là du khách đến từ châu Âu đạt 508,4 nghìn lượt người, gấp 31,8 lần. Khách đến từ châu Mỹ đạt 388,9 nghìn lượt người, gấp 67,6 lần. Khách đến từ châu Úc đạt 156,6 nghìn lượt người, gấp 125,2 lần và khách đến từ châu Phi đạt 11,5 nghìn lượt người, gấp 8 lần năm 2021.
Mặc dù số lượng người nước ngoài đến Việt Nam năm 2022 tăng cao nhưng mới chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế tăng nhanh đã góp phần tăng doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành. Doanh thu của các cơ sở lưu trú năm 2022 đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2021 và doanh thu của các cơ sở lữ hành đạt 35,5 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục thống kê, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 1.141,5 USD năm 2017 lên 1.151,7 USD năm 2019.
Trong số đó, tiền thuê phòng chiếm nhiều nhất, nhưng về giá trị tuyệt đối vẫn chưa về lại mức như thời trước dịch. Từ mức thuê 360,3 USD năm 2017 (31,6%) đã giảm xuống mức 347,2 USD (30,1%).
Tiếp đến là ăn uống, chiếm 21,9% (251,9 USD), đi lại tại Việt Nam 16% (184,6 USD), thăm quan 9% (103,2 USD). Các du khách cũng mua hàng hóa 142,7 USD (12,4%).
Chi phí dành cho y tế là 13,1 USD (1,1%) và các chi phí khác chiếm 9,5% (109,0 USD) trong tổng chi phí bình quân khi đến Việt Nam.
Những du khách "sộp" nhất, chi tiêu mạnh tay nhất khi đến Việt Nam là các du khách đến từ Philippine. Theo Tổng Cục Thống kê, các du khách đến từ quốc đảo này đã tăng gấp đôi chi phí khi du lịch tại Việt Nam. Từ mức 1.124,7 USD năm 2017 đã lên mức 2.257,8 USD trong năm 2019. Tiếp đến là du khách đến từ Bỉ (1.995,3 USD), Hoa Kỳ (1.709,7 USD) và Australian (1.146,5 USD).
Chi tiêu ít nhất khi đi lịch Việt Nam theo công bố của Tổng Cục Thống kê là du khách Campuchia với 734,9 USD. Du khách đến từ Campuchia đã giảm chi tiêu 7% so với năm 2017. Tiếp đến là du khách Indonesia 804,9 USD nhưng lại tăng đến gần 30% mức chi tiêu trung bình so với năm 2017. Du khách Hàn Quốc giảm từ mức 896,7 USD xuống còn 838,4 USD.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 650.000 tỷ đồng. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay, trong tháng 6/2023 ngành du lịch Việt Nam đã đón được 975.010 lượt khách quốc tế nâng tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 5.574.969 lượt.
Hàn Quốc là thị trường đưa khách quốc tế vào Việt Nam lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc có hơn 1,6 triệu lượt khách đến Việt Nam. So cùng kỳ 2019, lượng khách gần bằng 80%.
Nhằm thu hút du khách quốc tế, ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó thời hạn visa đã được kéo dài từ 30 lên 90 ngày, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.
Điều này đã tạo cơ hội cho ngành du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn hoàn thành vượt mức mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.