Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, tổng số cổ đông có quyền tham dự là 9.833 cổ đông. Trong đó, tổng số cổ đông và người đại diện tham dự đại hội là 38 người, đại diện cho 283 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, Đại hội PG Bank có đủ điều kiện để tiến hành.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2022.
Tổng tài sản đến cuối năm 2023 ước đạt hơn 53.051 tỷ đồng, tăng 8,3%. Tổng huy động dự kiến tăng 10,6% lên 47.213 tỷ đồng, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 14,8%. Dư nợ tín dụng đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 11,2%.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Tổng Giám đốc PG Bank cho biết, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Để đạt được kế hoạch trên, khối Khách hàng doanh nghiệp tăng cường khai thác khách hàng hiện hữu, đặc biệt là khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, uy tín trong giao dịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển khách hàng mới, ưu tiên tập trung vào khách hàng DNVVN, vay hạn mức phục vụ SXKD thuộc các lĩnh vực, ngành nghề như xăng dầu, nông sản, y tế, SXKD hàng tiêu dùng, xuất khẩu.
Khối Bán lẻ ưu tiên tăng trưởng nguồn vốn huy động giá rẻ bằng mục tiêu tăng trưởng CASA. Kế hoạch CASA năm 2023 của PG Bank là 1.500 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương mức tăng 50% và chiếm 6% tổng nguồn huy động vốn bán lẻ.
Ngân hàng dự kiến hết năm 2023, số lượng khách hàng mới đạt 30.000 khách hàng.
Tiếp tục không chia cổ tức
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Cụ thể, với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 403 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính. Sau trích quỹ, lợi nhuận chưa phân phối là hơn 343 tỷ đồng.
Trong năm 2023, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 13 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ và năm thứ 11 liên tiếp không chia cổ tức. Trong năm 2010, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Được biết, Nhà nước đã yêu cầu cổ đông lớn của PG Bank là Petrolimex phải thoái vốn tại PG Bank từ nhiều năm qua. Vì vậy, Petrolimex không thể góp thêm vốn vào ngân hàng này thông qua hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, PG Bank cũng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức bằng tiền mặt do vẫn còn các khoản nợ tại VAMC.
Trong dòng chảy thông tin liên quan, Petrolimex ngày 7/4 đã bán xong 120 triệu cổ phiếu PGB thông qua đấu giá công khai Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Theo kết quả đấu giá, 3 tổ chức và 1 cá nhân trong nước đã mua vào toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB với giá bình quân 21.400 đồng/cp. Mức giá này nhỉnh hơn một chút so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp mà Petrolimex đưa ra. Ước tính, Petrolimex có thể thu về 2.568 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.
Trình phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông thông quyết toán thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2022 và miễn nhiệm một thành viên Ban kiểm soát.
Về vấn đề tái cơ cấu, HĐQT trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT xây dựng, triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng.