Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT LPB – ông Nguyễn Đức Thuỵ, cho biết năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu mà cổ đông thông qua, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% năm 2021, vượt 19% kế hoạch. Ngân hàng tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN.
LienVietPostBank giữ vững vị thế một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2022, ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản. Ngân hàng cũng đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, thu nhập từ phí.
Theo báo cáo của ban điều hành, tín dụng thị trường 1 của LPB tăng 12,8% trong năm qua, sử dụng hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Huy động vốn thị trường 1 năm 2022 đạt 250.936 tỷ đồng, tăng 16%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng luôn tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN và trong năm 2022 đã đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III.
Về vốn điều lệ, ngân hàng đã tăng từ 12.036 tỷ đồng lên 17.291 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch.
Mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng
Năm 2023, LPB lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%. Tổng tài sản dự kiến đạt 375.000 tỷ đồng, tăng 14,4%; Huy động thị trường 1 đạt 295.740 tỷ đồng, tăng 17,8%; Tín dụng thị trường 1 đạt 273.490 tỷ đồng, tăng 16%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 19%
Năm nay, LPB có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 328,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia 19%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.285 tỷ đồng.
Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô 5.000 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể do HĐQT quyết định.
Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương quy mô theo mệnh giá là 3.000 tỷ đồng. Giá bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể do HĐQT quyế định. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại LPB sauk hi phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cho NĐT nước ngoài là 15,5% vốn điều lệ.
Phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP
Bên cạnh đó, LPB dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá. Mức giá cụ thể do HĐQT quyết định. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của LPB sẽ tăng thêm 11.385 tỷ đồng, từ 17.291 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng.
Đổi tên viết tắt thành “LPBank”
Tại Đại hội, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc đổi tên viết tắt tiếng Anh. Ngân hàng cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sử dụng tên viết tắt, tên viết tắt bằng tiếng Anh chính thức là “LienVietPostBank” trên tất cả các văn bản pháp lý và kênh truyền thông. Tuy nhiên, nhược điểm của tên gọi này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Trong khi xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.
Do đó, Hội đồng quản trị ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc thay đổi tên viết tắt của ngân hàng từ “LienVietPostBank” thành “LPBank”.
Bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới
Một nội dung quan trọng khác, LPB sẽ tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ IV (2023-2028).
Danh sách thành viên dự kiến tham gia HĐQT có 7 người, gồm: ông Nguyễn Đức Thuỵ (hiện là Chủ tịch HĐQT LPB), ông Huỳnh Ngọc Huy (đang là Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Hồng Phong (đang là thành viên HĐQT), ông Nguyễn Văn Thuỳ, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến (đang là Quyền TGĐ), ông Bùi Thái Hà (đang là Phó TGĐ thường trực).
Danh sách này không có ông Phạm Doãn Sơn và ông Dương Công Toàn, bà Dương Hoài Liên (thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ).
Danh sách nhân sự dự kiến vào Ban Kiểm soát có 4 người, gồm bà Dương Hoài Liên (đang là thành viên độc lập HĐQT), ông Trần Thanh Tùng (đang là Trưởng BKS), bà Nguyễn Thị Lan Anh (đang là thành viên không chuyên trách BKS) và ông Nguyễn Phú Minh.