Đây là một trong những nội dung được ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đưa ra tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra sáng nay (16/12).
Cụ thể, đánh giá về thị trường hàng không năm nay, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thị trường đã có những dấu hiệu tích cực cả nội địa lẫn quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường như quá tải cơ sở hạ tầng, suy thoái kinh tế, xung đột chính trị Nga - Ukraine, thị trường Trung Quốc (thị trường khách lớn thứ 2) phục hồi rất chậm.
Trong nửa đầu năm, đà phục hồi của thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh sau 4 tháng đầu, tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại từ quý II, hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch. Trong khi các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) có xu hướng bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao.
Trong nửa sau năm 2023, Vietnam Airlines cho biết hoạt động sản xuất kinh hoạt vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, tình hình suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào vẫn ở mức cao và bất lợi.
Với diễn biến kể trên, Vietnam Airlines dự kiến sản lượng vận chuyển cả năm nay đạt 21,11 triệu lượt khách, tăng 15,8% so với cùng kỳ và bằng 92,3% so với năm 2019.
Trong đó, sản lượng khách quốc tế là 6,38 triệu lượt (bao gồm thuê chuyến), tăng 158,4% so với cùng kỳ và bằng 70,5% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa cả năm đạt 14,73 triệu khách, giảm 6,6% so với cùng kỳ và tăng 6,7% so với năm 2019.
Với sản lượng khai thác vận tải kể trên, ban lãnh đạo Vietnam Airlines tính toán kết quả sản xuất kinh doanh cả năm 2023 vẫn lỗ ở cả công ty mẹ và hợp nhất.
Cụ thể, hãng dự kiến doanh thu hợp nhất cả năm này đạt khoảng 91.658 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến ở mức âm 5.823 tỷ đồng.
Với công ty mẹ, hãng hàng không quốc gia dự kiến ghi nhận 69.334 tỷ đồng doanh thu, tăng 38% so với năm liền trước, nhưng vẫn lỗ sau thuế 4.879 tỷ đồng.
Điểm tích cực là cả 2 kế hoạch lỗ kể trên đều đã giảm gần một nửa so với mức lỗ hãng phải chịu trong năm 2022 vừa qua.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đề xuất cổ đông phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển năm nay với tổng kinh phí đầu tư 1.175,5 tỷ đồng. Trong đó, khoản kinh phí đầu tư tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 1.136,3 tỷ đồng được phép chuyển tiếp giải ngân vào quý I-II/2024.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Vietnam Airlines, sau 9 tháng từ đầu năm nay, hãng đã ghi nhận 68.089 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 3.535 tỷ. Với kế hoạch kinh doanh kể trên, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đang đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất quý cuối năm nay vào khoảng 23.569 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2.288 tỷ.
So với cùng kỳ quý IV/2022, kế hoạch doanh thu quý cuối năm này của Vietnam Airlines sẽ tăng 21% và giảm lỗ gần 300 tỷ đồng.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh kể trên, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết với tình hình tài chính hiện tại, hãng có thể tự cân đối được thu - chi từ năm 2024.
Ngoài ra, cũng tại phiên họp lần này, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã trình cổ đông thông qua một số nội dung như báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; báo cáo tiền lương, thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát năm 2022 và kế hoạch 2023; phương án kiện toàn nhân sự Ban kiểm soát…