Người Hà Nội từng có một ám ảnh khi đi dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) là mùi thuốc lá phát ra từ Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Cơ sở này nằm trong tổ hợp công nghiệp lớn nhất thủ đô là "cao - xà - lá", viết tắt của cao su - xà phòng - thuốc lá.
Từ sau năm 2020, thứ mùi này biến mất kể từ khi nhà máy tạm dừng sản xuất và chuẩn bị cho kế hoạch di dời ra khỏi nội đô, cùng hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp khác trong thành phố.
Kế hoạch này sẽ phải thực hiện trong vòng 5 năm tới, sau khi danh mục 9 cơ sở nhà máy sẽ phải di dời được HĐND Hà Nội thông qua hồi đầu tháng 7.
Theo các chuyên gia, việc này đặt ra cho thành phố bài toán về việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các nhà máy. Đồng thời, Hà Nội nên nhìn nhận giá trị có được của các nhà máy cũ, từ đó tìm cách để bảo tồn, giữ nguyên trạng và cải tạo, thay vì "xóa trắng".
9 cơ sở nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội phải di dời khỏi nội đô trong vòng 5 năm 2022-2027. Đồ họa: Duy Anh.
3 nhà máy có dấu ấn di sản của Hà Nội
52 ha là tổng diện tích đất trống mà Hà Nội có được sau khi 9 nhà máy trong danh mục được di dời khỏi nội đô giai đoạn 2022-2027. Để dễ hình dung, con số này gấp khoảng 3 lần diện tích của Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Trong số diện tích kể trên, nhiều quỹ đất được coi là "đất vàng" vì nằm trong các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân...
Nhưng hơn cả giá trị về mặt bất động sản mà quỹ đất này mang lại, các nhà máy cũ còn là hình ảnh đại diện cho một giai đoạn phát triển công nghiệp của Hà Nội trong quá khứ.
Theo PGS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, năm 2020, bà cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát sâu 10 nhà máy của Hà Nội, là những nơi có giá trị khá nổi trội.
Nhóm nghiên cứu đánh giá các nhà máy cũ này đa dạng về vị trí, quy mô đất đai, loại hình doanh nghiệp, tình trạng sản xuất kinh doanh và cơ sở vật chất, nhà xưởng cũng như các giá trị về kiến trúc và lịch sử.
Trong đó, 3 nhà máy nằm trong danh sách phải di dời nhưng có dấu ấn di sản rõ rệt là: Nhà máy Bia Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhà máy Thuốc lá Thăng Long.
Cụ thể, Nhà máy bia Hà Nội hiện giữ lại được tổng thể kiến trúc công nghiệp đặc biệt, nguyên vẹn và có nhiều giá trị, đồng thời một số khu vực như nhà điều hành vẫn đang được sử dụng.
Với Nhà máy xe lửa Gia Lâm, đây hiện là cơ sở đường sắt duy nhất tại Việt Nam đáp ứng tàu khổ ray 1.435 mm vào tận các xưởng.
Đồng thời, nhà máy là nơi tạo ra những sản phẩm mang tính biểu tượng của đường sắt Việt Nam đời đầu như đầu máy hơi nước tự lực, đầu máy diesel đổi mới...
Trong khi đó tại Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhiều công trình nhà xưởng có giá trị kiến trúc với phong cách tiêu biểu cho giai đoạn phát triển của kiến trúc công nghiệp Việt Nam từ thập niên 60 đến cuối thế kỷ XX.
Chuyên gia nhìn nhận cùng với Nhà máy Xà phòng và Cao su, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long nằm trong tổ hợp cao - xà - lá là quần thể tiêu biểu cho mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa Việt Nam giai đoạn đầu xây dựng đất nước.
"Không chỉ là mang giá trị kiến trúc, đây còn là những công trình mang dấu ấn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, ký ức và hình ảnh về đô thị Hà Nội một thời", bà Loan nói.
Vì vậy, nữ KTS cho rằng sau khi được di dời, các nhà máy cũ nên được giữ nguyên cấu trúc, cải tạo cho nhiều mục tiêu phát triển của Hà Nội như: không gian vui chơi, hoạt động thể chất, vườn hoa, công viên, quảng trường, không gian văn hóa, bảo tàng... thay vì xây cao ốc.
Nhiều công trình chưa kịp đánh giá đã bị xóa trắng
Đánh giá thêm về hiện trạng cải tạo quỹ đất từ nhà máy cũ, chuyên gia nhìn nhận đa số các cơ sở công nghiệp đã từng di dời đều được chuyển đổi để xây chung cư cao tầng, nhà ở thương mại, dịch vụ.
Bà Loan điểm tên nhiều nhà máy đã trở thành chung cư như: Nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy Dệt 8/3, nhà máy Bánh kẹo Tràng An... và cho rằng nếu tiếp tục xu hướng này, Hà Nội có thể sẽ mất đi các di sản cũng như công trình mang dấu ấn văn hóa.
Ở góc nhìn tổng quan hơn, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chủ trương di dời cơ sở nhà máy công nghiệp ra khỏi nội đô là cần thiết trong việc mang lại sự phát triển bền vững cho thành phố.
"Dù vậy, vấn đề chuyển đổi các khu công nghiệp này vẫn đang là những bước phôi thai và đầy tranh cãi", ông Sơn nhìn nhận.
Theo ông, điều đáng lo ngại là việc chuyển đổi các khu công nghiệp sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư để phát triển, sinh lời. Do đó, xu hướng ban đầu khi di dời cơ sở công nghiệp vẫn là chuyển đổi thành nhà ở thương mại, khu đô thị để từ đó tiếp tục tạo ra của cải vật chất, phục vụ đầu tư.
Chung cư Thống Nhất Complex (82 Nguyễn Tuân) mọc lên từ quỹ đất có được sau khi Công ty Cổ phần In Thống nhất di dời khỏi nội đô. Ảnh: Việt Linh.
Song, ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nhu cầu cộng đồng cho người dân, bao gồm tạo ra các không gian văn hóa, hoạt động giải trí sáng tạo. Trong đó, việc tận dụng các cơ sở nhà máy đã được di dời là phương án tốt mà thành phố có thể tính đến.
Đánh giá về mặt chính sách cho việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành điểm đến công cộng, PGS Phạm Thúy Loan nhìn nhận thành phố đã có những chính sách vĩ mô tốt.
Điều này được khẳng định trong quy hoạch chung của Hà Nội năm 2011, Luật Thủ đô năm 2013 và quyết định của Thủ tướng năm 2015, đều nêu rõ các nhà máy sau khi di dời chức năng sản xuất thì sẽ phải ưu tiên cho chức năng công cộng.
Dù vậy, Hà Nội chưa thực hiện tốt một số giám sát xã hội của việc thực hiện chính sách trên thực tế. "Tôi nhận thấy nhiều công trình chưa kịp đánh giá giá trị lịch sử thì đã bị xóa trắng và nguy cơ này hiện vẫn còn tiếp tục", PGS Phạm Thúy Loan nói và đánh giá đây là thách thức đầu tiên và lớn nhất mà thành phố cần phải vượt qua.
Bà cho rằng Hà Nội cần đánh giá bài bản và công bố giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp, ưu tiên 3 nhà máy là Xe lửa Gia Lâm, Thuốc lá Thăng Long và Bia Hà Nội. Từ đó, xem xét giữ lại kiến trúc và đưa ra cách can thiệp tối ưu cho các công trình này sau khi di dời.
Đầu tháng 7/2022, HĐND Hà Nội thông qua danh mục 9 cơ sở nhà đất phải di dời trong vòng 5 năm tới, trong đó có nhiều cơ sở là nhà máy sản xuất công nghiệp và ở vị trí "đất vàng" trong nội đô.
Các nhà máy này bao gồm: Công ty In báo Nhân dân, Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới, Nhà máy bia Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Công ty In Thông tấn xã Việt Nam, nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.