Nhật Anh cho biết những nơi vừa có giá tốt, vừa uy tín thì gần như đã kín lịch đến hết tháng 11. Dù đã tham khảo một số đơn vị khác, cô vẫn chưa tìm được chỗ nào ưng ý.
Trước đó, cô và bạn trai có phần chủ quan khi nghĩ rằng chỉ cần tìm bên cung cấp dịch vụ và đặt lịch trước tầm 2-3 tháng là ổn.
"Không ngờ đúng vào mùa cưới xin, bên nào cũng kín lịch, có nơi còn không nhận thêm khách từ 4 tháng trước", cô gái than thở.
Không chỉ Nhật Anh, nhiều cô dâu, chú rể khác cũng gặp khó khăn tương tự.
Sau thời gian dài trì hoãn, ngành cưới đang bùng nổ trở lại khi không ít cặp uyên ương mong muốn tổ chức lễ kết hôn trong năm nay.
Các nhà cung cấp dịch vụ trở nên tất bật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Nhiều đơn vị tổ chức đám cưới cho biết họ đã kín lịch từ cuối năm 2022 đến hết tháng 3/2023.
Hết lịch sớm
Ngày cưới sắp đến gần nhưng mọi chuyện vẫn chưa thu xếp ổn thỏa, Nhật Anh cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Vài hôm trước, cô và chồng sắp cưới còn giận dỗi nhau chỉ vì chuyện viết, gửi thiệp mời.
"Chúng tôi thậm chí còn nghĩ đến việc hoãn cưới nếu mọi việc không theo đúng ý mình. Nhưng vì đã đặt nhà hàng, bên trang trí, làm cổng hoa, thuê váy cưới, cộng với sự động viên từ bố mẹ, cả hai quyết định vẫn tổ chức đúng ngày đã định, dù mọi thứ không thật hoàn hảo như mong đợi", Nhật Anh chia sẻ.
Khác với Nhật Anh, đám cưới của Anh Thư và Tommy Nguyễn (24 tuổi) tổ chức vào ngày 15-16/10 nhưng đôi trẻ đã đặt xong tất cả dịch vụ trước đó 7 tháng.
Anh Thư chia sẻ việc chuẩn bị sớm có nhiều cái lợi và cũng giúp họ tránh được những vấn đề dễ gây căng thẳng trước hôn lễ.
"Thứ nhất là phí make up, chụp ảnh và thuê đồ cưới tuỳ chỗ nhưng thường thì 6 tháng họ sẽ tăng giá một lần. Vợ chồng tôi chốt sớm để nhận được mức giá tốt nhất.
Thứ hai là nếu đặt sớm, các đơn vị tổ chức vẫn còn thưa khách, các cô dâu, chú rể thoải mái đưa ra yêu cầu, chẳng lo không đặt được nơi ưng ý", Thư giải thích.
Cô dâu 24 tuổi nói thêm để hoàn thành giai đoạn đầu tiên trước 7-8 tháng, khoảng một năm trước đó, cô đã phải tìm hiểu thông tin cần thiết từ bạn bè, người thân cho đến các hội nhóm, bài review trên mạng.
"Vì khó khăn lắm mới tìm được dịch vụ uy tín vừa ý, tôi quyết định book luôn, không nên để sát đến mùa cưới xin".
Thư chia sẻ cô cũng có một vài bạn bè kết hôn trong thời gian này. Nhiều người trong số đó gặp khủng hoảng vì đặt dịch vụ cận ngày mà hầu như nơi nào cũng full lịch.
"Đặt nơi tổ chức, trang trí, váy áo, chụp ảnh, phóng sự, make up xong còn phải hỏi lại ý kiến của gia đình hai bên. Nhiều khi mình ưng nhưng bố mẹ lại không hài lòng thì vẫn phải tìm chỗ khác.
Chúng tôi tổ chức cưới ở hai nơi là Đồng Nai và Tây Ninh, số lượng khách mời hơn 1.000 người nên càng phải lên kế hoạch kỹ lưỡng", Anh Thư nói.
Ngành cưới chạy đua
Từ giờ đến hết tháng 2 năm sau, lịch làm việc của Đỗ Tùng Sơn (25 tuổi), chuyên viên trang điểm, hầu như đã kín. Lượng khách bắt đầu tăng dần từ tháng 4 nhưng không quá đông.
Đến khoảng tháng 7 trở đi, đỉnh điểm của mùa cưới, tất cả lịch trống được lấp đầy khá nhanh. Anh cho biết một số cô dâu đã đặt make up trước 2-3 tháng, thậm chí nửa năm.
“Hiện tại, bên tôi đã hết ngày đẹp. Cứ đến tháng 10-11, nhân sự ngành cưới sẽ rất bận rộn. Ngoài sắp xếp thời gian đi lại, đội ngũ để đáp ứng nhu cầu của khách, tôi và ekip còn gặp vấn đề về sức khỏe khi di chuyển liên tục nhiều nơi”, Sơn chia sẻ.
Nhóm của Sơn gồm 3 thành viên phụ trách các khâu trang điểm, làm tóc, hỗ trợ khách hàng. Thời gian trung bình để chuẩn bị cho một cô dâu tầm 2-3 tiếng.
Với lịch trình như vậy, Sơn chỉ nhận mỗi ca một người để tận dụng tối đa năng suất, tránh tình trạng bị gấp gáp và quá giờ. Những khách đến sau, hết giờ trống, anh chỉ đành gửi lời xin lỗi và mong họ thông cảm.
Khi nhận make up đám cưới, Sơn cũng yêu cầu cô dâu đặt cọc trước. Trong trường hợp muốn hủy, nhóm anh sẽ hỗ trợ đổi lịch khác phù hợp hơn.
“Bên tôi chuyên về mảng trang điểm nhưng cũng liên kết với rất nhiều đơn vị váy cưới, chụp ảnh và những thủ tục khác. Nếu đôi nào cần thì tôi có thể tư vấn thêm. Ngoài ra, các cô dâu cũng thường đặt thêm gói chăm sóc ngoại hình đến cuối buổi để yên tâm trong lễ cưới”, Sơn nói thêm.
Mùa cưới năm nay cũng là thời điểm đắt khách với Minh Nguyễn, nhiếp ảnh gia tại Đà Lạt.
Tương tự các đồng nghiệp, lịch chụp của anh gần như kín mít. Khách đặt chụp hôn lễ đông hơn ngoại cảnh, thậm chí nhiều người đã liên hệ trước một tháng.
Để tránh bị quá tải và đảm bảo chất lượng hình ảnh, mỗi ngày anh chỉ nhận một ca.
Sau khi tư vấn, chốt concept với khách, khâu chụp sẽ mất khoảng một buổi hoặc nguyên ngày. Bộ ảnh sẽ đến tay khách hàng trong vòng nửa tháng khi được hậu kỳ, chỉnh sửa kỹ càng.
Vì tính chất công việc, anh và đội ngũ của mình đã quen với chuyện di chuyển nhiều nơi để kịp tiến độ. Theo Minh, làm việc trong mùa cao điểm, vấn đề thời tiết là đáng lo ngại nhất.
“Sợ nhất những hôm trời mưa bão, vừa không chụp được, vừa tốn thêm ngày hôm sau để chuẩn bị lại. Nguy cơ trùng lịch khách sau là rất cao. Nhiều khách đặt khá gấp, team cũng phải cố gắng hỗ trợ”, Minh nói.
Một gói chụp bên Minh dao động từ 10-15 triệu đồng, bao gồm các dịch vụ như thuê trang phục, trang điểm, hoa tươi, xe di chuyển, album sản phẩm.
Nhiếp ảnh gia cho hay gần đây, nhiều cặp cô dâu, chú rể thích chụp pre-wedding với xe cổ, rừng thông, săn mây vào sáng sớm hoặc tự do dạo phố.
"Sau khi đã chốt kế hoạch xong, mọi người nên tìm bên cung cấp dịch vụ càng sớm càng tốt. Tránh để sát hôn lễ mới chuẩn bị, lúc đó rất cập rập mà còn khiến ngày trọng đại mất vui", Minh chia sẻ.