Đứng đầu nhóm 11 ngân hàng cho vay vượt huy động trong quý III/2022 là hai cái tên quen thuộc - Ngân hàng VPBank và SeABank. Đây cũng là hai ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ cho vay/huy động tính đến cuối quý II/2022.
VPBank dẫn đầu tỉ lệ cho vay/huy động
VPBank đang cho vay nhiều gấp rưỡi số lượng tiền gửi của khách hàng gửi vào ngân hàng này, tỷ lệ dư nợ/tiền gửi tăng 12,3 điểm % so với quý trước. VPBank vốn sở hữu FE Credit, công ty tài chính chiếm gần một nửa thị phần cho vay tiêu dùng với hơn 12 triệu khách hàng - theo thông tin từ công ty.
Hết quý III, chỉ số dư nợ/tiền gửi của Techcombank tăng hơn 6,9 điểm % so với quý II, vượt qua LienVietPostBank để xếp hạng 3 các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ/tiền gửi cao nhất quý III.
Tỷ lệ dư nợ/tiền gửi của ngân hàng VIB và HDBank đều tăng xấp xỉ quanh mức 7 điểm %, lần lượt đưa 2 ngân hàng này lên vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách.
Trong khi đó, LienVietPostBank đã lùi về hạng 6 sau khi chỉ số dư nợ/tiền gửi giảm 4,4 điểm % so với quý trước.
8 ngân hàng: VPBank, SeABank, Techcombank, VIB, HDBank, LienVietPostBank, MSB và Bản Việt đều cho vay vượt huy động trong hai quý liên tiếp, đồng thời là nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng. Danh sách chưa được cập nhật đủ do một số ngân hàng có tỷ lệ cao như BIDV, SHB, OCB, Vietinbank… chưa cập nhật báo cáo.
Áp sát top 10 là một cái tên mới - Ngân hàng ACB. Sau khi tăng nhẹ 0,7 điểm % trong quý III, hiện chỉ số dư nợ/tiền gửi của ACB đạt 102,61%.
Các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ/tiền gửi cao thể hiện hoạt động cho vay rất sôi nổi, tận dụng tối đa nguồn vốn huy động của ngân hàng để nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, cho vay nhiều hơn lượng tiền gửi khách hàng sẽ ảnh hưởng tới tính thanh khoản của ngân hàng. Khi phát sinh những tình huống ngoài dự kiến, ngân hàng dễ gặp phải vấn đề thanh khoản.
Đa dạng hình thức huy động vốn
Để huy động thêm vốn phục vụ hoạt động cho vay, các ngân hàng buộc phải phát hành các loại giấy tờ có giá như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu,...
Ngân hàng SeABank là một ví dụ. Cuối quý III, tiền gửi khách hàng của SeABank chỉ tăng 3% so với đầu năm, nhưng phát hành giấy tờ có giá tăng 19%, chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm.
Bản Việt là một trong số ít các ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng cuối quý III giảm 8,5% so với đầu kỳ. Trong kỳ, ngân hàng đã phát hành hơn 2.000 tỷ đồng giấy tờ có giá dài hạn đủ điều kiện tính vào vốn tự có và cho vay dài hạn để bù đắp vào khoản thiếu hụt vốn do cho vay nhiều hơn lượng tiền gửi.
Ngoài việc tăng cường phát hành các giấy tờ có giá, các ngân hàng cũng đã bắt đầu tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền về.
Sản phẩm tiền gửi Prime Savings của VPBank vừa nâng lãi suất tháng đầu lên tới 10,02%. Ngân hàng Bản Việt cũng vừa đưa ra mức lãi suất 8,9%/năm, áp dụng đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng với các khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng…
Dần về cuối năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến hoạt động cho vay được kiềm chế. Đồng thời, sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng vọt, cao nhất lên đến 9,5%/năm. Nhờ đó, các ngân hàng thu hút được lượng lớn tiền gửi.
Bên cạnh các ngân hàng được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng hồi trung tuần tháng 9, những ngân hàng còn lại sẽ phải xoay sở để cân đối dòng vốn tín dụng của mình.
Tỷ lệ dư nợ/tiền gửi thấp giúp ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt, có thể tăng trưởng tối đa trong hạn mức tín dụng được cấp. Đồng thời, ngân hàng dễ dàng đáp ứng hàng loạt yêu cầu rút tiền cùng lúc và không quá căng thẳng việc nâng lãi suất thu hút tiền gửi.
Mục tiêu cuối cùng của các ngân hàng thương mại vẫn là lợi nhuận, được đóng góp chủ yếu bởi nguồn thu nhập lãi cho vay. Do đó, nếu cho vay quá ít so với số vốn huy động được, chứng tỏ ngân hàng chưa tối ưu tốt hoạt động kinh doanh chính.
Tính thanh khoản của một ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định về tỷ lệ LDR (Loan to Deposit Ratio). Các ngân hàng thương mại cho biết họ phải báo cáo về tỷ lệ này với NHNN mỗi ngày.
NHNN chưa từng công bố chỉ số của từng ngân hàng và ngân hàng cũng không chủ động công khai tỷ lệ này.
Hiện nay, NHNN yêu cầu mức LDR tối đa của ngân hàng thương mại là 85%. Thông tư 07/2022/TT-NHNN quy định công thức tính LDR tương đối phức tạp, đòi hỏi các khoản mục không được hạch toán cụ thể trên báo cáo tài chính.
Vì thế, cách tính chỉ số LDR dựa vào số dư tiền gửi và cho vay trên báo cáo tài chính của các ngân hàng không phản ánh chính xác tuyệt đối mà chỉ là “tạm tính”.
Tỷ lệ dư nợ/tiền gửi đề cập trong bài viết được trích dẫn từ số liệu của FiinPro, sử dụng cách tính khác với NHNN nên về cơ bản các ngân hàng vẫn đảm bảo tỷ lệ LDR đúng quy định.