Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần bằng một phiên giao dịch đầy sôi động với chiều bán áp đảo trên diện rộng. VN-Index giảm 55,49 điểm (-4,5%), mạnh nhất trong 15 tháng kể từ phiên 13/5/2022 với thanh khoản kỷ lục.
Khối lượng khớp lệnh trên HoSE lên đến 1,65 tỷ cổ phiếu, cao nhất trong lịch sử hơn 23 năm của chứng khoán Việt Nam. Giá trị khớp lệnh tương ứng đạt lên xấp xỉ 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 47% so với phiên trước và là mức cao nhất trong 19 tháng qua.
10 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất phiên 18/8 (tính theo khối lượng khớp lệnh) đều là những cái tên “hot” như Novaland (NVL), VNDirect (VND), DIC Corp (DIG), Đất Xanh (DXG), SSI, Hòa Phát (HPG), Sacombank (STB), Vinaconex (VCG), HAGL (HAG) và SHB. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là không có cổ phiếu nào trong top 10 phá kỷ lục thanh khoản trong phiên vừa qua.
Trong top 10 về khối lượng khớp lệnh phiên 18/8, có đến 7 cổ phiếu ghi nhận giá trị giao dịch trên nghìn tỷ. Tính trên toàn sàn chứng khoán, chỉ duy nhất cổ phiếu VIC của Vingroup có giá trị giao dịch lớn hơn nhóm này với 1.800 tỷ. Phiên vừa qua cũng ghi nhận kỷ lục mới về thanh khoản của cổ phiếu này với khối lượng khớp lệnh hơn 26,6 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi lên sàn năm 2007.
Các cổ phiếu khớp lệnh khủng phiên vừa qua đều ghi nhận mức giảm mạnh, đa phần nằm sàn cho thấy lực bán xuống rất lớn. Trước đó, những cái tên như VIC, NVL, VND, DIG, DXG, SSI, HPG, STB,… đều đã tăng mạnh trong một khoảng giai đoạn kéo dài. Vì thế, áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, khi yếu tố cơ bản không đuổi kịp đà tăng, nhà đầu tư có lãi chắc chắn đang tìm cơ hội để chốt lời. “Giống như thị trường tăng, nhà đầu tư đua mua vì sợ mất hàng, khi thị trường giảm họ cũng đua bán vì sợ mất thành quả. Điểm yếu của nhà đầu tư cá nhân là tâm lý rất yếu, vì vậy việc thị trường giảm mạnh khiến họ bất ngờ không hiểu chuyện gì xảy ra dẫn tới việc bán trước đã rồi tính sau” – chuyên gia Yuanta nhận định.
Với mức thanh khoản cao, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng thị trường cần vài nhịp giảm khi đã xác nhận xu hướng giảm trong ngắn hạn. Thị trường sẽ cần chiết khấu thêm để tìm điểm cân bằng và hấp dẫn dòng tiền mới. Vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là 1.160 điểm, thậm chí là 1.125 điểm. Tuy nhiên, sau cú điều chỉnh vào cuối năm 2022, xu hướng thị trường sẽ giảm mạnh, hồi nhanh chứ không kéo dài quá lâu tính bằng tháng.