Có nhiều yếu tố tác động giúp thị trường ôtô Việt khởi sắc trong bối cảnh kinh tế biến động. Một trong số đó là trợ lý giọng nói - công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua xe của người dùng.
Những tín hiệu tích cực
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, Việt Nam nhập khẩu 15.228 ôtô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 355,4 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và 36,8% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung cả quý I/2023, cả nước nhập khẩu 42.002 ôtô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch đạt 925,5 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và 64,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về đà tăng trưởng của thị trường ôtô năm 2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế - cho biết việc nhiều mẫu xe mới ở các phân khúc được ra mắt trong năm 2022 đã góp phần thúc đẩy sự bứt phá về doanh số và ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. “Sang năm 2023, thị trường ôtô trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn năm 2022, khoảng 7-8%”, ông nhận định.
Đồng thời, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng sang năm 2023, “room tín dụng” có thể nhỏ hơn mức tăng trưởng tín dụng của năm 2022, nguồn vốn cho vay tiêu dùng hứa hẹn được các ngân hàng chú trọng hơn, trong đó có việc cho vay để mua sắm ôtô. Điều này được kỳ vọng có thể kích thích thị trường.
Kết quả bán hàng tại Việt Nam trong tháng 3 do các hãng ôtô công bố cho thấy hầu hết mẫu xe thực dụng, chú trọng vào công năng, tính năng đều ghi nhận doanh số ấn tượng.
Trên thực tế, hơn 60% tài xế đã sử dụng tính năng trợ lý giọng nói trên ôtô xem đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe. 3/4 người tiêu dùng được khảo sát cũng cho biết sẽ sử dụng trợ lý giọng nói thường xuyên nếu có trải nghiệm tốt.
Theo báo cáo của Voicebot.ai, 70% phương tiện dự kiến được kết nối Internet vào năm 2023. Trợ lý giọng nói hứa hẹn tiếp tục thâm nhập thị trường sâu hơn và trở thành công nghệ ngày càng thiết yếu, đặc biệt khi ngành công nghiệp ôtô tiếp tục chuyển sang cung cấp các tùy chọn tự lái.
Tương lai cho các doanh nghiệp
Không khó để trả lời câu hỏi: “Tại sao ngành công nghiệp ôtô và người tiêu dùng lại đón nhận công nghệ giọng nói một cách nhiệt tình đến vậy?”. Với những tính năng hữu ích, hỗ trợ lái xe an toàn, giảm thiểu sự phân tâm gây nguy hiểm… trợ lý giọng nói trên xe mang lại nhiều lợi ích cần thiết cho người dùng.
Nhiều thống kê cho thấy có tới 30% số vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế mất tập trung. Việc người dùng tập trung nhìn màn hình cảm ứng để thực hiện tác vụ có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, trong kỷ nguyên ôtô thông minh, trợ lý giọng nói được xem là phương án tối ưu để giảm thiểu rủi ro trong lúc lái xe.
Theo Navigant Research, trợ lý giọng nói dự kiến được tích hợp vào khoảng 90% phương tiện mới được bán trên toàn cầu vào năm 2028. Báo cáo của Voicebot.ai cũng cho biết nhu cầu về trợ lý giọng nói trên ôtô đang tăng đều đặn. Năm 2022, Mỹ ghi nhận hơn 70 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Tại Việt Nam, tháng 3 cũng chứng kiến dấu ấn mới của trợ lý tiếng Việt Kiki với mức tăng trưởng 50% sau chưa đầy 3 tháng, chính thức cán mốc 300.000 lượt cài đặt, với hơn 150.000 lượt truy vấn mỗi ngày trong thời gian ngắn.
Có thể nói, Kiki đang là một trong những trợ lý giọng nói thành công nhất tại Việt Nam bởi sự vượt trội về yếu tố ngôn ngữ. Kiki được đánh giá giao tiếp tốt bằng tiếng Việt và hiểu văn hóa bản địa.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của giọng nói và những doanh nghiệp phải gấp rút triển khai công nghệ này để duy trì tính phù hợp, cạnh tranh. Sự chuyển dịch của trải nghiệm không chạm trên các sản phẩm ôtô nói riêng và công nghệ nói chung tạo ra một bước tiến mới trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Dựa trên nhu cầu cấp thiết của người dùng lẫn doanh nghiệp tại Việt Nam, có thể nói, công nghệ giọng nói đem đến cơ hội lớn và mở ra tương lai mới cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô.