Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Malaysia, Ấn Độ. Trong đó, hiện Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, chiếm 22% thị phần toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 13,387 tỷ USD. Trong quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,09 triệu tấn cao su, với trị giá 3,1 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, do giá cao su giảm mạnh.
Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 416,52 nghìn tấn, trị giá 562,66 triệu USD, tăng 15,2% về lượng, nhưng giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cao su Việt Nam chiếm 18,11% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 17,34% của cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su của nước này, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Đứng thứ hai là thị trường EU. Năm 2022, thị trường này nhập khẩu 12,888 tỷ USD. Trong đó, thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,33% trong tổng trị giá nhập khẩu của EU. Riêng trong tháng 1/2023, EU nhập khẩu 1,145 tỷ USD, trong đó, thị phần cao su của Việt Nam chiếm 0,97% tổng giá trị nhập khẩu từ thị trường này.
Hiện EU nhập khẩu nhiều cao su từ các thị trường nội khối. Trong các nguồn cung ngoài khối, thì Nga, Thái Lan, Hoa Kỳ, Indonesia, Bờ Biển Ngà là các thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho EU.
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan hiện đang có thị phần lớn nhất về cao su tại EU, tiếp theo là Indonesia và Malaysai. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN về thị phần cao su tại EU.
Thời gian qua, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều trở ngại do đồng USD có nhiều biến động, ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là tại châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu.
Nhu cầu nhập khẩu cao su của EU trong năm 2023 rất lớn, tuy nhiên thị trường này cũng đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm cao su. Ví dụ như quy định về gắn mác CE, tính an toàn sản phẩm, ghi nhãn, đóng gói, và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 3 thế giới. Năm 2022, thị trường này chi 5,285 tỷ USD nhập khẩu cao su. Trong đó, thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,38% trong tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ. 2 tháng đầu năm 2023, thị trường Hoa Kỳ chi 572 triệu USD cho nhập khẩu cao su, giảm 23,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,36% trong tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2023.
Malaysia và Ấn Độ cũng là 2 thị trường nhập khẩu chính cao su trên toàn cầu. Trong năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu cao su tại thị trường Malaysia và Ấn Độ lần lượt là 2,747 tỷ USD và 2,726 tỷ USD. Trong đó, thị phần cao su Việt Nam chiếm 3,81% trong tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Ấn Độ.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong năm 2022, trừ Malaysia, trị giá nhập khẩu cao su của các thị trường lớn đều tăng trưởng so với năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất là các thị trường như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc.
Trong năm 2022, EU và Hoa Kỳ giảm nhập khẩu cao su từ Việt Nam, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng trưởng tốt so với năm 2021. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp.
Trong các tháng đầu năm 2023, trừ thị trường EU, trị giá nhập khẩu cao su của các thị trường còn lại đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 do giá cao su giảm mạnh và nhu cầu cao su vẫn chậm, thị trường chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, sức cầu tiêu dùng suy yếu.