Nghe Audio "Nóng" pháp lý bất động sản từ Bắc vào Nam:
Loạt dự án bị đưa vào tầm ngắm
Trong tuần qua, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã làm việc với một số đơn vị để xem xét thu hồi đất, chấm dứt 9 dự án của CTCP tập đoàn FLC và 6 công ty đối tác đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất.
9 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2018-2019, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai, xây dựng như kế hoạch.
Qua kiểm tra, có 2 trong 6 công ty đối tác của tập đoàn FLC đầu tư các dự án nói trên đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cũng đã thông báo cho các nhà đầu tư về việc giấy phép xây dựng cấp cho các dự án trên đã hết hiệu lực.
Ở một địa phương khác là Thanh Hoá, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang cho biết trên toàn tỉnh có 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.
UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 90 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án và chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án vi phạm.
Còn tại Nha Trang, Bộ Quốc phòng đang thanh tra việc sử dụng và sắp xếp, chuyển giao khu đất hơn 21 ha tại sân bay Nha Trang cũ, trường Sĩ quan Không quân, cho Khánh Hòa phát triển kinh tế, xã hội.
Trong 21 ha này, có khu đất đang được 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Tân Thành và CTCP Nam Khánh chiếm giữ, sử dụng.
Đây là khu đất có vị trí đắc địa, nằm tại khu vực được quy hoạch khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch của TP Nha Trang. Trong nhiều năm, UBND TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và trường Sĩ quan Không quân đã nhiều lần yêu cầu 2 công ty thanh lý hợp đồng, trả lại khu đất nhưng cả hai không thực hiện.
Thị trường đang gặp khó.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản cho biết nửa đầu năm, tình hình lạm phát đã phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền vào thị trường bất động sản có dấu hiệu chậm lại. Thanh khoản đã giảm rõ rệt trong bối cảnh giá nhà vẫn tiếp tục bị đẩy lên do hạn chế nguồn cung.
Số lượng căn chào bán trên thị trường hầu hết đến từ các dự án đã chào bán trước đó, rất ít dự án được cấp phép mới. Lý do nguồn cung mới thấp, theo Hội Môi giới Bất động sản, xuất phát từ chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua. Nguồn tiền đổ vào dự án bất động sản bị thắt chặt khiến cho các dự án khó đảm bảo tiến độ xây dựng hạ tầng, không đủ điều kiện chào bán.
Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, Hội môi giới dự báo mặt bằng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản hiện tại là thiếu hụt nguồn cung dự án mới. Ngoài ra, Luật Đất đai và Luật Xây dựng còn đang chồng chéo, gây nên sự khó khăn trong quá trình xin phê duyệt cho các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa rõ ràng.
Một vấn đề nổi cộm có thể gây khó cho bất động sản thời gian tới là tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương, giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này sẽ khiến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản.
Sai phạm về quy hoạch tại đường Lê Văn Lương
Tuần qua, thông tin về các dự án phá vỡ quy hoạch trên đường Lê Văn Lương vẫn tiếp tục gây chú ý. Thông tin đang được nhiều người quan tâm là quyền lợi của cư dân khi sống trong những chung cư có sai phạm trên tuyến đường này.
Theo ghi nhận, đời sống của nhiều cư dân trên tuyến đường này và toàn khu vực bị ảnh hưởng bởi các sai phạm về quy hoạch. Việc nâng tầng, tăng dân số gây áp lực lên hạ tầng giao thông, chất lượng đời sống. Ngoài ra, một số chủ đầu tư tự ý phsa vỡ quy hoạch, khiến dự án bị vướng mắc pháp lý và đẩy dự án vào tình trạng không được cấp sổ hồng.
Nhiều năm nay, cư dân tại các dự án chậm bàn giao sổ hồng liên tục đấu tranh, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm để hoàn thành nghĩa vụ song chủ đầu tư vẫn chây ì.
Hà Nội lấy ý kiến về đồ án quy hoạch khu vực trung tâm bán đảo Quảng An
Theo UBND quận Tây Hồ, đồ án sẽ được lập trên quy mô 45,3 ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.
Theo quy hoạch, khu vực này sẽ có 1 nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội. Trục không gian cảnh quan sẽ đảm bảo yêu cầu phục vụ cộng đồng, kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Quy hoạch này sẽ góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị... các di tích đình, đền, chùa hiện có…