Sự lo lắng thái quá về khủng hoảng thị trường
Hơn 10 năm trước, bất động sản đóng băng. Giấc ngủ đông đã kéo dài hơn 3 năm với kịch bản doanh nghiệp lao đao phá sản, môi giới bỏ nghề, giá đất sụt giảm. Phải đến năm 2014, chỉ số cho thấy sự phục hồi của thị trường mới bắt đầu vực dậy.
Đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu chao đảo sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Kể từ giữa năm 2022, tín dụng từ ngân hàng co hẹp. Cùng cú bồi từ thị trường chứng khoán và khả năng khó trong thanh toán trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp địa ốc đẩy bất động sản vào tình trạng thêm phần trầm lắng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều ông lo ngại nhất chính là nhà đầu tư mất niềm tin. Họ bị tác động từ vụ lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Đó là lý do lớn khiến cho giới đầu tư chần chừ xuống tiền.
Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS cho rằng: Điểm giống nhau là cả 2 giai đoạn đều khủng hoảng do vấn đề siết chặt tín dụng và khi thị trường khó khăn, nguồn thu đứt gãy, mọi thành phần tham gia thị trường bất động sản đều sử dụng biện pháp co cụm lại, cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự.
Còn xét về bản chất, giai đoạn khủng hoảng hiện nay trên thị trường rất khác với giai đoạn trước.
Theo ông Lập, khủng hoảng trước đây không đột ngột và tâm lý bi quan của hầu hết các thành phần tham gia thị trường trên cả nước không diễn ra trên diện rộng như bây giờ.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng thừa nhận rằng, sự lo ngại quá đà về thị trường khó khăn đã tác động đến bất động sản. Thực tế, đây là cuộc khủng hoảng về tâm lý trên thị trường bất động sản.
Chỉ số sáng của thị trường
Phía cơ quan chức năng hiện đang có động thái quyết liệu gỡ khó cho thị trường địa ốc. Điều này góp phần làm gia tăng hệ số niềm tin cho doanh nghiệp.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, có việc rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân tín dụng.
Ngay sau cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng. Dù việc nới room này không phải dành riêng cho nhóm bất động sản, nhưng nó cũng cho thấy, đã bắt đầu có những giải pháp “đặc biệt” dành cho thị trường bất động sản sau khi Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản được Thủ tướng Chính phủ thành lập hồi giữa tháng 11.
Tại hội thảo diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, để góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, cần có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực BĐS. Về phía cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Kinh doanh BĐS, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hằng năm, chỉ số giá một số loại hình BĐS, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đất đai... Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường BĐS.
Giới chuyên gia kỳ vọng, bước sang năm 2023, thị trường địa ốc sẽ phục hồi. Khó khăn của hiện tại sẽ qua nhanh nhờ sự điều hành nhịp nhàng của Chính phủ cũng như sự ổn định của thị trường tài chính, cộng hưởng niềm tin của nhà đầu tư gia tăng.