Dữ liệu

Diện mạo 3 tỉnh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc trung ương sau vài năm nữa

Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà được dự kiến trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, 3 tỉnh sẽ được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây đều là những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, chỉ 822,7 km2, nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc Đồng bằng sông Hồng. Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hà Bắc cũ. Lúc đó, Bắc Ninh là một tỉnh nông nghiệp. Tổng sản phẩm kinh tế (GRDP) đạt 2.019 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 3 triệu đồng/năm. Trong ảnh là ngã 6 ở trung tâm thành phố Bắc Ninh.

Sau 25 năm, Bắc Ninh đã lột xác để trở thành trở thành trung tâm công nghiệp phát triển, kinh tế phát triển top đầu cả nước. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 248.376 tỷ đồng, gấp 120 lần năm 1997 và thu nhập bình quân đầu người đạt 65,3 triệu đồng/năm, gấp 22 lần năm 1997. Trong ảnh là khách sạn 5 sao Mandala tại thành phố Bắc Ninh.

Năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 7,39%. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 31.000 tỷ đồng. Bắc Ninh đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI với 279 dự án. Tổng số vốn đầu tư đăng ký mới và vốn điều chỉnh gần 2,2 tỷ USD, đứng thứ 6 toàn quốc. Trong ảnh là nhà máy Samsung Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD.

Trên lộ trình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, một thành phố và 4 thị xã trực thuộc tỉnh sẽ được thành lập. Trong đó, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố năm 2021. Huyện Quế Võ và Thuận Thành vừa được uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt lên thị xã từ tháng 4/2023.

Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Tỉnh có diện tích 4.947,1 km2 và dân số 1,154 triệu người (số liệu năm 2021).

Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt 66.348 tỷ đồng, bằng khoảng ¼ so với tỉnh Bắc Ninh. GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 57 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.781 tỷ đồng, vượt 86,3% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Trong ảnh là trung tâm thành phố Huế.

Đã từng là kinh đô của Việt Nam trong giai đoạn 1802 đến 1945, tỉnh sở hữu quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đây là điều kiện để phát triển du lịch. Năm 2022, Thừa Thiên Huế đón hơn 2 triệu khách du lịch với doanh thu 4.500 tỷ đồng. Trong ảnh là cung An Định, cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua. Sau này, cung thuộc về Bảo Đại và ông từng sống ở đây sau khi thoái vị.

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 5.197 km² kể cả các đảo, quần đảo. Dân số 1,336 triệu người (số liệu 2022). Khánh Hoà cũng là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với 385 km.

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 với mức tăng trưởng kinh tế âm, năm 2022 tỉnh đã tăng trưởng GRDP 20,7%, cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa năm 2022 đạt gần 96.000 tỷ đồng, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 76,54 triệu đồng, tăng 22,34% so năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 16.400 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2021. Trong ảnh là một bãi biển ở thành phố Nha Trang.

Dịch vụ, du lịch là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46,53%. Năm 2022, tỉnh Khánh Hoà đã đón Khánh Hòa đón hơn 2,57 triệu lượt khách lưu trú (tăng gần 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 275.000 lượt, gấp 11,1 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng gấp 5,75 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh là Tháp Bà Ponagar, ngôi đền Chăm Pa và là điểm thu hút du khách ở thành phố Nha Trang.

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/dien-mao-3-tinh-du-kien-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-sau-vai-nam-nua-22468.html