Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định 318/QĐ-TTg là đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông.
Cửa ngõ ra Biển Đông
Quyết định 318 nêu rõ, đến năm 2030 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Khánh Hòa bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, và đạt 189 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế.
Chín đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa hiện nay gồm: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, sáu huyện gồm: Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Trường Sa.
Trong phương án quy hoạch hệ thống đô thị thì đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ có 2 đô thị loại I (TP. Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 1 đô thị loại II (TP. Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Quyết định 318/QĐ-TTg nêu rõ các mục tiêu cụ thể về kinh tế đến năm 2030 khi Khánh Hòa trở thành thành phố thuộc trung ương. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,3%/năm; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 10%/năm; dịch vụ tăng 8,7%/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,2%; dịch vụ chiếm 48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng.
Tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,0%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%. Tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP.
Nghiên cứu xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Vùng động lực phát triển
Vùng động lực phát triển tập trung vào ba khu vực: Vùng vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, vùng vịnh Cam Ranh.
Đối với khu vực vịnh Vân Phong: Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện.
Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
TP. Nha Trang: Phát triển TP. Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trường quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.
Khu vực vịnh Cam Ranh: Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Ngoài các vùng động lực còn có các hành lang kinh tế (4 hành lang), gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh và hành lang Cam Ranh – Cam Lâm – Khánh Sơn.
Hành lang kinh tế Bắc – Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 03 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không...
Hành lang kinh tế Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông quốc lộ 26, quốc lộ 26B và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột): Kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.
Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở quốc lộ 27C và cao tốc Nha Trang - Liên Khương): Tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.
Hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường tỉnh 656): Kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ đồng thời giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.