Cụ thể, theo Quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Nếu đối chiếu với các tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, các kết quả của Quảng Ninh ra sao?
Tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) bao gồm:
(1) Quy mô dân số thành phố trực thuộc Trung ương
Từ ngày 1/1/2023, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô dân số của Quảng Ninh năm 2021 là 1,350 triệu người.
(2) Diện tích tự nhiên thành phố trực thuộc Trung ương
Thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
Theo Tổng cục Thống kê, diện tích tự nhiên của Quảng Ninh là 6.207,8 km2.
(3) Đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố trực thuộc Trung ương
Từ ngày 1/1/2023, số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên. Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 2 quận.
Hiện có Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính, bao gồm 4 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện. Tỷ lệ số đơn vị hành chính đô thị đạt 46,15 %, chưa có đô thị đáp ứng tiêu chuẩn quận.
(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
Chưa có thông tin về việc xây dựng đề án đề nghị công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I.
(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13. Cụ thể:
- Cân đối thu chi ngân sách: Dư;
Quảng Ninh thặng dư ngân sách, có điều tiết về Trung ương 49% NSĐP.
- Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước: 1,75 lần;
Theo Tổng cục Thống kê, nếu xét về thu nhập bình quân, năm 2021, Quảng Ninh đứng thứ 19/63 với 47,9 triệu đồng/người/năm, theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, thấp hơn thu nhập bình quân cả nước là 50,46 triệu đồng/người/năm.
- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;
7 năm gần đây, Quảng Ninh đều tăng trưởng trên 10%, cao hơn mức bình quân chung cả nước.
- Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 90%;
Khu vực 1 (nông lâm nghiệp, thuỷ sản) chiếm tỷ trọng 5,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2022.
- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên. Đô thị có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí mật độ dân số bằng50% mức quy định, như vậy, tỉnh Quảng Ninh cần mật độ tối thiểu 1.000 người/km2
Mật độ dân số tỉnh Quảng Ninh đạt 218 người/km2
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.
Quy mô nguồn nhân lực Quảng Ninh gần 800.000 người, cơ cấu khu vực nông nghiệp chiếm 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...