Chị N.H. (28 tuổi, công nhân) cho biết đã nhận được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào tháng 2. Trước đó, do lượng đơn hàng của công ty sụt giảm nên liên tiếp cho công nhân nghỉ luân phiên, ngày làm ngày nghỉ.
"Lương ở công ty giảm, thời gian dư giả nên tôi và nhiều công nhân khác đã tranh thủ làm thêm các công việc thời vụ. Tuy thu nhập không được nhiều nhưng vẫn gánh đỡ một phần áp lực kinh tế", chị N.H. nói.
Tệp người dùng chính gặp khó
Không riêng chị H. ngày càng có nhiều người lao động có rơi vào cảnh giảm thu nhập hay thậm chí là mất việc làm giữa làn sóng sa thải.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy từ tháng 9/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới kém tích cực.
Điều này khiến người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình.
Từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt/giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75%), chủ yếu tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Điển hình như công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM), công ty có lực lượng lao động nhất tại TP.HCM với hơn 50.500 người, đã gửi thông báo dự kiến sẽ cắt giảm 3.000 lao động và đồng thời không tái ký hợp đồng với 3000 lao động. Bên cạnh đó, các lao động khác sẽ áp dụng nghỉ luân phiên trong tuần.
Đây cũng là tệp khách hàng chính của các smartphone tầm trung và giá rẻ. Khi nhóm này buộc phải cắt giảm chi tiêu, doanh số điện thoại tại 2 phân khúc này đã có những chuyển biến tiêu cực.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ công nghệ tình trạng sụt giảm về doanh số đối với 2 phân khúc smartphone dưới 5 triệu đồng và 5-10 triệu đồng đã được dự đoán trước. Số liệu thống kê về lượng người lao động quay trở lại sau dịp Tết Âm lịch chỉ là 95% của 70% số công ty. Nhiều công ty vẫn còn kéo dài kỳ nghỉ do chưa có công việc và công nhân lao động vẫn phải làm việc giãn ca, chia ca để duy trì thu nhập.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của tình hình kinh tế vĩ mô khiến các giải pháp tài chính như trả góp 0% vốn rất phổ biến trước đây hiện bị siết chặt bởi lãi suất ngân hàng cao. Việc này đã góp phần khiến người dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho những sản phẩm không quá thiết yếu như smartphone.
Doanh số sụt giảm
Trong 2 tháng đầu năm, thống kê từ GfK cho thấy doanh số smartphone trên toàn cầu chỉ đạt dưới 2,5 triệu chiếc. Con số này đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2022.
Với điều kiện thuận lợi, trung bình mỗi năm thị trường smartphone sẽ tăng trưởng 5-15%. Mức sụt giảm lần này được đánh giá tương đương với việc thị trường đã đánh mất 2-3 năm tăng trưởng trước đó.
Đại diện các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam cho biết mảng điện thoại Android tầm thấp và trung đang có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. Bước vào năm 2023, thị trường smartphone ghi nhận tình trạng ảm đạm sau Tết Âm lịch.
"Với tình hình thị trường hiện tại, dòng flagship đang dễ bán hơn máy giá rẻ", đại diện một chuỗi bán lẻ giấu tên cho hay.
Chia sẻ với Zing, đại diện Thế Giới Di Động cho biết lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng doanh số của phân khúc smartphone dưới 5 triệu và 5-10 triệu tại chuỗi này lần lượt chiếm khoảng 24% (giảm 1%) và 32% (giảm 4%) so với cùng kỳ 2022.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellPhoneS, chia sẻ doanh số điện thoại bán ra trong tháng 1 và tháng 2 tương tự với tháng 11 và tháng 12/2022, tức là chỉ bằng khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính từ các chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam, lượng khách hàng mua những sản phẩm này trong tháng 12/2022 chỉ bằng 47% so với tháng 1/2022.
Phân khúc smartphone có giá 5-10 triệu đồng cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự, khi số lượng bán ra của tháng 12/2022 ước tính chỉ bằng 55% so với tháng 1/2022.
Xu hướng sụt giảm đối với điện thoại phân khúc tầm thấp và trung đã được dự đoán trước, từ giai đoạn tháng 3-4/2022. Khoảng thời gian này là lúc suy thoái kinh tế đã bắt đầu nhen nhóm dẫn tới việc ảnh hưởng đến túi tiền của nhóm lao động thu nhập thấp và trung bình.
Số liệu từ International Data Corporation (IDC) cũng cho thấy doanh số của các mẫu điện thoại Android có giá dưới 5 triệu đồng đã giảm liên tiếp từ tháng 1/2022 cho tới tháng 12/2022.
Theo IDC, doanh số smartphone bán ra thị trường trong quý IV/2022 giảm 18,3% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một quý kể từ năm 2013. Đơn vị này cũng cho biết tổng doanh số smartphone toàn cầu trong năm 2022 đã giảm 11,3%, con số đáng báo động của ngành.
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Counterpoint Research, lượng smartphone xuất xưởng toàn cầu trong năm 2022 đã giảm xuống mức 1,2 tỷ thiết bị, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Số liệu cũng cho thấy doanh thu smartphone trong năm 2022 đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu rơi vào khoảng 330 tỷ USD.
Kích cầu thị trường
Để kích cầu trong thời điểm này, đại diện Thế Giới Di Động cho biết chuỗi đã đưa ra nhiều giải pháp tối ưu chi phí để đưa đến cho người tiêu dùng nhiều chương trình khuyến mại và giảm giá.
Chuỗi cũng đang làm việc với các đối tác tài chính, thanh toán, nhà mạng để cung cấp các gói trả góp lãi suất tốt nhất hay nhiều gói cước ưu đãi để hỗ trợ cho người tiêu dùng, đặc biệt là phân khúc dưới 10 triệu đồng.
Vị này chia sẻ trên thị trường smartphone hiện nay, smartphone từ 5 đến 10 triệu đồng là phân khúc được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi đây là mức giá phổ biến và smartphone trong phân khúc này có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng cơ bản.
Theo thống kê tại Thế Giới Di Động từ tháng 10/2022 đến nay, doanh số bán ra của các mẫu smartphone dưới 5 triệu đồng chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm sản phẩm, lên tới 54%.
Vị trí thứ 2 trong thống kê thuộc về phân khúc các mẫu smartphone dưới 10 triệu đồng với 30% và 16% còn lại thuộc các dòng smartphone cao cấp, cận cao cấp.
"Đối với sự đi xuống của smartphone tầm trung trong năm 2022, các nhà bán lẻ như CellphoneS đối diện với một bài toán khó. Theo dự đoán, doanh số dự kiến không khởi sắc hết quý II", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, chia sẻ.
Ông Huy cũng cho biết việc thị trường ảm đạm đã khiến các hãng và các nhà bán lẻ phải cân nhắc, đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, việc này đã vô hình làm tăng chi phí và không thể đảm bảo lợi nhuận.
Hiện chuỗi đang phải triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu 30-40%, tặng thêm dịch vụ bảo hành, trợ giá dịch vụ thu cũ đổi mới nhằm thu hút khách hàng. Mục đích duy nhất là để giảm bớt tồn kho, thu hồi dòng tiền sớm.
Đại diện một chuỗi bán lẻ nhận định sự cạnh tranh gay gắt đang diễn ra giữa các hãng sản xuất smartphone dưới 10 triệu đồng. Phân khúc này đang có sự tham gia của nhiều hãng như Samsung, Xiaomi, OPPO, vivo, Realme và Huawei.
Sự cạnh tranh này đã đẩy giá của các sản phẩm trong phân khúc 5 đến 10 triệu đồng giảm xuống, nhằm thu hút được sự quan tâm và sự lựa chọn của người dùng.
Ngoài ra, các chuỗi bán lẻ đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi doanh số thị trường sẽ không có dấu hiệu khởi sắc cho tới hết quý II và phải đưa ra các chương trình khuyến mại, cắt lỗ để kích cầu thị trường.
"Việc này vô hình làm tăng chi phí và không thể đảm bảo lợi nhuận. Các nhà bán lẻ đang phải chấp nhận mức lỗ 10-15% cho nhiều mẫu điện thoại", Vị này chia sẻ thêm.