Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính trong 8 tháng/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% tương ứng tăng 68,69 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 252,60 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD).
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chính, nổi bật là điện thoại các loại và linh kiện. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 8/2022 đạt trị giá 6,09 tỷ USD, tăng mạnh 39,4% so với tháng trước.
Tính trong 8 tháng/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 40 tỷ USD, tăng 13,5% so với 8 tháng/2021.
Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,25 tỷ USD, tăng 48%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 8,97 tỷ USD, tăng 11%; sang EU đạt 4,61 tỷ USD, giảm 5%; sang Hàn Quốc đạt 3,88 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8 đạt 4,94 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng/2022 đạt 36,71 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 10,12 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 7,7 tỷ USD, tăng 16%; sang thị trường EU đạt 4,88 tỷ USD, tăng 19%; sang thị trường Hồng Kông đạt 3,83 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,29 tỷ USD, giảm 2%…
Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 8 đạt 4,49 tỷ USD, tăng 9,7% so với tháng trước. Tính trong 8 tháng/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 30,06 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực điện tử tại Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như: Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng...
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết đang tạo cơ hội cho nhiều hãng điện tử lớn mở rộng quy mô để tận dụng cơ hội về ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực... được giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm cho người lao động.