Quyết định này được ban hành sau khi Bộ Giao thông vận tải nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính về việc rà soát giá trị vốn vay ODA Hàn Quốc cho dự án; đề nghị của Ban Quản lý dự án đường sắt tại Tờ trình số 2549/TTr-BQLDAĐS ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh một số thông tin về nội dung tổng mức đầu tư, nguồn vốn dự án.
Theo đó, Điều 1 Quyết định số 1527 điều chỉnh Điều 1 Quyết định số 413 về tổng mức đầu tư dự án là 1.480.561 triệu đồng.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.481 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, vốn vay ODA là 1.239 tỷ đồng; vốn đối ứng là 242 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2027.
Cụ thể, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 242 tỷ đồng, phân bổ như sau: chi phí hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 66 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 94 tỷ đồng; chi phí thiết bị 4,5 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 12 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 15 tỷ đồng...
Còn lại vốn vay ODA là hơn 1.238 tỷ đồng (tương đương khoảng 54,3 triệu USD), trong đó, chi phí xây dựng hơn 943 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 45 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 103 tỷ đồng...
Trong thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2027, dự kiến bố trí vốn như sau: năm 2023 bố trí gần 29 tỷ đồng; năm 2024 rót hơn 403 tỷ đồng; năm 2025 rót hơn 290 tỷ...
Tỷ giá ngoại tệ quy đổi 1 USD = 22.790 đồng là tỷ giá quy đổi đã được sử dụng tại biên bản thảo luận (MOD) ký ngày 22/4/2022 giữa Đoàn thẩm định của EDCF và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường sắt.
Nguồn: Quyết định số 1527/QĐ-BGTVT.
Mục tiêu dự án nhằm cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện tại thuộc khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề) từ Ga Hòa Duyệt đến Ga Thanh Luyện với tổng chiều dài 12,2 km.
Dự án bao gồm các hạng mục công trình chính như sau: nâng cấp, cải tạo 4,8 km đường sắt và cải dịch tuyến mới 7,4 km đường sắt; cải tạo, nâng cấp 2 nhà ga Hoà Duyệt và ga Thanh Luyện; xây dựng mới 1 cầu, 2 hầm và 13 cống chui dân sinh, 15 cống thoát nước ngang qua đường sắt; hàng rào, đường gom, đường ngang, tường chống đá rơi và lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, biển báo đồng bộ.
Căn cứ quyết định phê duyệt dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thủ tục đàm phán, ký kết thỏa thuận về vốn vay ODA với nhà tài trợ.
Sau khi thỏa thuận về vốn vay được cấp có thẩm quyền ký kết (nguồn vốn nước ngoài chính thức được bố trí), Ban Quản lý dự án đường sắt trình phê duyệt dự án làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam căn cứ phương án đầu tư đối với từng hạng mục công trình để chủ động cập nhật hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi dự án hoàn thành, nhất là các công trình hầm, cầu, ga... để tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.
Đồng thời, thực hiện các thủ tục để xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhất là đối với tài sản được giao không còn nhu cầu sử dụng như đoạn tuyến cũ sau khi được cải tuyến, theo đúng quy định hiện hành.