Một công ty ở Nhật Bản bắt đầu bán bỉm tái chế đầu tiên trên thế giới, khi xã hội già hóa của đất nước Mặt Trời mọc trải qua sự chuyển đổi nhu cầu về bỉm trẻ em sang bỉm dành cho người lớn tuổi.
Tờ Mainichi Shimbun đưa tin công ty Unicharm, có trụ sở tại tỉnh Kagoshima phía tây nam Nhật Bản, với sự hợp tác của chính quyền địa phương bắt đầu bán bỉm người lớn và trẻ em trong tháng này tại các trung tâm mua sắm ở Kyushu - một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản.
Sản phẩm được được mô tả là tái chế “theo chiều ngang”, tức bỉm được tái chế thành bỉm chứ không phải thành một loại sản phẩm khác.
Unicharm cho biết hãng đã sử dụng công nghệ khử trùng, tẩy trắng và khử mùi bằng ozone để đảm bảo bỉm tái chế không có mùi khó chịu và vi khuẩn.
“Chúng tôi có sự xác nhận từ các chuyên gia về vấn đề vệ sinh”, ông Tsutomu Kido, Giám đốc điều hành cấp cao của Unicharm nói với tờ Mainichi.
Bỉm tái chế đã được sử dụng trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Kagoshima kể từ khi sản phẩm này được phát triển vào năm 2022.
Theo Unicharm, các loại bỉm đang được bán rộng rãi bao gồm cả loại dành cho trẻ em, có giá cao hơn một chút so với bỉm dùng một lần thông thường.
“Những khách hàng đã sử dụng sản phẩm này cho biết họ cảm thấy thoải mái và không khác gì bỉm thông thường”, Unicharm cho hay.
Bỉm tái chế sẽ được chuỗi siêu thị Aeon Kyushu triển khai dần dần tới 68 cửa hàng. Một gói 42 chiếc có giá 1.078 yen (7 USD)
Trong khi vấn đề nhân khẩu học của Nhật Bản khiến nhu cầu bỉm trẻ em giảm mạnh, doanh số bán bỉm dành cho người lớn tuổi dự kiến tiếp tục tăng.
Tháng trước, Oji Holdings, nhà sản xuất sản phẩm giấy, cho biết sẽ ngừng sản xuất bỉm cho trẻ em vào cuối năm nay do nhu cầu sụt giảm mạnh, thay vào đó sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm vệ sinh cho người lớn tuổi.