Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã giảm điểm mạnh trong tháng 9/2020 và tháng 9/2021 dù thị trường tăng trưởng trong cả hai năm này. Theo CNN Business, điều này không có nghĩa là các cổ phiếu đều kết thúc tháng 9 trong sắc đỏ. Trong ba tháng 9 trước đại dịch, thị trường đều tăng điểm.
Tuy nhiên, năm nay còn có một sự kiện đáng lo khác: đó là cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Từ năm 1950 trở lại đây, chỉ số Dow Jones đã giảm điểm trong 11/18 tháng 9 của năm có bầu cử giữa nhiệm kỳ, theo dữ liệu từ ấn phẩm Stock Trader's Almanac.
Không chỉ vậy, thị trường còn chuẩn bị đón nhận thông tin quan trọng từ cuộc họp chính sách thường kỳ vào tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước đó, trong bài phát biểu thường niên về chính sách tiền tệ tại hội nghị của Fed ở Jackson Hole, Wyoming ngày 26/8, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cam kết cứng rắn về việc chặn đà leo thang của lạm phát ở Mỹ, nói rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng thời cảnh báo việc này sẽ gây ra “một chút đau” cho nền kinh tế Mỹ.
Những mối lo ngại trước đây trong tháng 9 và tháng 10 đối với thị trường chứng khoán ít liên quan hơn trong năm nay. Có các động lực đang đóng vai trò quan trọng hơn nhiều. Có rất nhiều chất xúc tác tiềm năng cho một đợt tăng điểm vào mùa thu.
Alex Chaloff, giám đốc tại Bernstein Private Wealth Management
Ngoài ra, một số báo cáo kinh tế quan trọng được công bố trong tháng này cũng sẽ cho nhà đầu tư thêm thông tin về sức khỏe của thị trường việc làm Mỹ và lạm phát có hạ nhiệt hay không.
“Chắc chắn các mối lo ngại về địa chính trị và dữ liệu kinh tế được công bố có thể gây ra biến động trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho điều này”, ông Josh Emanuel, Giám đốc đầu tư của Wilshire, nhận định.
Theo ông Emanuel, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao các động thái của Fed và diễn biến của nền kinh tế.
“Tin tốt là đang có các dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm Mỹ vẫn đang mạnh và lạm phát rốt cuộc cũng đã hạ nhiệt. Nếu xu hướng này được duy trì, một cuộc ‘hạ cánh mềm’ có thể sẽ là một kịch bản hợp lý. Điều này đồng nghĩa Fed sẽ không gây ra suy thoái với việc tăng lãi suất quá mạnh”, ông Emanuel phát biểu.
Một số chuyên gia cho rằng, sau nửa đầu năm “bết bát”, xu hướng phục hồi gần đây (tháng 7 tăng mạnh và tháng 8 đi ngang dù có nhiều biến động) có thể sẽ tiếp diễn.
"Những mối lo ngại trước đây trong tháng 9 và tháng 10 đối với thị trường chứng khoán ít liên quan hơn trong năm nay. Có các động lực đang đóng vai trò quan trọng hơn nhiều”, ông Alex Chaloff, đồng giám đốc chiến lược đầu tư tại Bernstein Private Wealth Management, nhận định. “Có rất nhiều chất xúc tác tiềm năng cho một đợt tăng điểm vào mùa thu”.
Theo ông Chaloff, nếu lạm phát tiếp tục giảm sau khi hạ nhiệt trong tháng 7, thị trường sẽ hoan nghênh tín hiệu này và Fed có thể sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì 0,75 điểm phần trăm như nhiều người dự báo.
"Đây là điều vô cùng quan trọng để tạo động lực cho đà tăng của thị trường. Hạ cánh mềm là hoàn toàn khả thi, hoặc trong kịch bản xấu nhất sẽ chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ”, ông nói. “Nhà đầu tư không cần quá lo lắng về sự suy giảm mạnh của nền kinh tế bởi sức mạnh trong chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu của doanh nghiệp vẫn đủ sức để đưa thị trường vượt qua giai đoạn này”.
Theo CNN Business, miễn là tiếp tục đi theo quỹ đạo này và nỗi sợ lạm phát không còn nằm trong tâm lý của nhà đầu tư, thị trường có thể tránh được tháng 9 “sóng gió” và lịch sử sẽ không lặp lại tháng 10 sụp đổ như vào các năm khủng hoảng 1929, 1987 hay 2008...
Nỗi lo suy thoái đã giảm bớt sau báo cáo việc làm tháng 7 tốt hơn kỳ vọng với hơn 528.000 việc làm được tạo ra trong tháng – con số nhiều hơn dự báo.
Báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/9 tới. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng việc làm trong tháng này có thể giảm nhưng ít có khả năng làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về suy thoái.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự báo Mỹ có thêm 285.000 việc làm trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,5%. Nếu những dự báo này đúng, Fed và thị trường có thể sẽ “hài lòng”.
“Báo cáo việc làm tháng 7 quá mạnh nên thật khó tưởng tượng Fed sẽ lo lắng về các con số của tháng 8. Thị trường lao động nói lên sức mạnh tiềm tàng của nền kinh tế”, ông Jake Remley, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Income Research + Management, phát biểu. “Nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các số về tăng trưởng tiền lương trong báo cáo việc làm. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tiền lương giảm có thể được xem là bằng chứng rằng áp lực lạm phát đang hạ nhiệt”.