Người dân cần "vật tế thần" trong các cuộc khủng hoảng và vì thế, phần lớn thế giới đã đổ lỗi cho kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Liz Truss khi đồng bảng Anh trượt giá.
Bộ trưởng Tài chính Pháp ngày 30/9 cho biết ông lo lắng trước tình hình hỗn loạn tài chính ở Anh, đồng thời chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng Truss vì đã gây ra "thảm họa" lãi suất vay cao cho chính nước này, AFP đưa tin.
Trước đó, trong kế hoạch “Ngân sách nhỏ” được trình bày trước Quốc hội, chính phủ Truss đã đưa ra biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 225 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt “chu kỳ đình trệ”.
Theo đó, chính phủ Anh sẽ cần vay thêm 79 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới.
"Nó làm xáo trộn cân đối tài chính", Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire nói. "Và nó dẫn đến một thảm họa thực sự với lãi suất 4,5% hoặc thậm chí cao hơn ở Anh".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và chính quyền Biden cũng lên tiếng chỉ trích chiến lược kinh tế mới của Anh - động thái mà Wall Street Journal cho rằng có thể giúp họ chuyển sự chú ý khỏi các chính sách thất bại dẫn đến lạm phát và tăng trưởng chậm lại.
Dù vậy, tờ báo này nhận định giữa lúc trò chơi đổ lỗi vẫn tiếp diễn, thật sai lầm khi nói nước Anh rơi vào khủng hoảng sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố gói cắt giảm thuế lớn, vì nền kinh tế Anh vốn đã rối ren.
Tương tự, Bloomberg đưa tin các chính sách kinh tế được chính phủ mới đưa ra trong bối cảnh ngân hàng Anh cho rằng nền kinh tế "có thể đã rơi vào suy thoái".
Bất ổn từ trước
Đồng bảng Anh đã mất khoảng 17% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm, trong khi đó chi phí vay nợ lên mức kỷ lục và nền kinh tế được dự đoán tăng trưởng chậm nhất so với các quốc gia lớn khác.
Trên thực tế, tình trạng bất ổn đó là đỉnh điểm sau 12 năm chính phủ mở rộng theo chủ nghĩa bảo thủ cầm quyền. Chính phủ mở rộng là thuật ngữ chính trị dùng để chỉ một hình thức chính phủ có đặc điểm là chi tiêu công cao và tập trung quyền lực chính trị.
Bắt đầu với việc cựu Thủ tướng David Cameron lên nắm quyền vào năm 2010, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nặng nề đến nước Anh.
Ông và bộ trưởng Tài chính Anh thời điểm đó George Osborne đã triển khai một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng, như cắt giảm thuế suất doanh nghiệp và cải cách phúc lợi để khuyến khích việc làm.
Nhưng họ lại để lại di sản là một cái nhìn sai lệch về chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Theo số liệu của IMF, chi tiêu của chính phủ chiếm 44% và nợ gần 70% GDP sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhận thức được sự cần thiết của việc cắt giảm ngân sách, chính quyền Cameron đã tuyên bố thắt chặt chi tiêu công.
Họ nghiêng về quan điểm cân bằng tài khóa trong ngắn hạn, thay vì tăng trưởng kinh tế trung hạn. Ông Osborne gọi những thay đổi trên đánh dấu “ngày nước Anh trở lại từ bờ vực”.
Tuy nhiên, chi tiêu công chỉ giảm xuống 39% GDP vào cuối nhiệm kỳ của ông Cameron. Nền kinh tế tăng trưởng, nhưng chỉ nghiêng về một số ngành.
Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng hiệu suất đã xảy ra khi đầu tư bị đình trệ, khiến nền kinh tế không thể duy trì tốc độ tăng trưởng tiền lương.
Theo sau ông Cameron là bà Theresa May, vị thủ tướng mà hầu hết thời gian trong nhiệm kỳ của bà bị tiêu hao bởi các cuộc tranh luận về việc Anh rời Liên minh châu Âu.
Khi ông Boris Johnson trở thành thủ tướng với cam kết chấm dứt tình trạng bất ổn, kết thúc việc Anh rời khỏi EU (Brexit), ông đã mở ra một chính phủ mở rộng nhất theo chủ nghĩa bảo thủ.
Ông đã lên kế hoạch cho một chương trình nghị sự “nâng cấp" nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế ở các khu vực khó khăn thông qua khoản chi tiêu công lớn.
Bên cạnh đó, sau cú sốc tài chính do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cựu Thủ tướng Johnson đã 2,5% thuế tiền lương, trong khi tiếp tục để lạm phát gia tăng đẩy các cá nhân vào khung thuế cao hơn.
Theo một số tính toán, điều này giúp ngân sách của chính phủ Anh tăng nhờ khoản doanh thu từ thuế đạt mức cao nhất so với GDP kể từ những năm 1950.
Vấn đề tồn đọng
Hai vấn đề khác cũng kéo dài xuyên suốt ba thời kỳ chính phủ Anh. Trước hết là chính sách năng lượng yếu kém.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cameron chấp nhận chạy theo cuộc đua biến đổi khí hậu một cách vô điều kiện để làm dịu hình ảnh của đảng. Ông phản đối điện than và chỉ ủng hộ điện hạt nhân một cách kín đáo. Khi nhậm chức, cựu thủ tướng Anh đã đưa ra các khoản trợ cấp mới cho năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Johnson đã tự làm khó mình khi tuyên bố các mục tiêu cắt giảm khí thải để đạt mức phát thải ròng bằng 0. Cuối năm 2021, ông đã công bố chiến lược quốc gia bao gồm cấm ôtô sử dụng động cơ đốt trong và buộc các hộ gia đình phải trả hàng nghìn bảng Anh cho máy bơm nhiệt mới.
Và trong khi giá năng lượng liên tục tăng, kéo theo nền kinh tế bấp bênh, không ai trong ba cựu thủ tướng sẵn sàng thừa nhận các chính sách năng lượng của họ có thể là vấn đề.
Thay vào đó, họ để lại cho bà Truss những cử tri đang nhìn chằm chằm vào việc hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình sẽ tăng 80% trong tháng 10.
Một vấn đề khác là chính sách tiền tệ. Trước đó, ngân hàng Anh dưới thời các cựu Thống đốc Mervyn King và Mark Carney đã bỏ qua nhiệm vụ ổn định giá cả của mình để giữ lãi suất ở mức thấp trong lịch sử, trong khi kiềm chế chi phí vay nợ của chính phủ bằng cách nới lỏng định lượng.
Điều này gây ra lạm phát giá tài sản, đặc biệt với nhà ở, đồng thời hạn chế đầu tư sản xuất và thu nhập thực tế. Theo thống kê, mức lương trung bình được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 6,7% từ năm 2009-2014.
Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Carney là Andrew Bailey đã rót tiền vào các khoản kích thích tiền tệ hào phóng trong thời kỳ đại dịch, và rút lại khi cuộc khủng hoảng lạm phát ngày càng sâu sắc.
Một ngày trước khi ông Kwarteng công bố gói cắt giảm thuế, ông Bailey đã gây bất ngờ tồi tệ cho thị trường với việc tăng lãi suất 50 điểm, thay vì mức 75 điểm sẽ theo sự hướng dẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi các thị trường đặt câu hỏi về độ tin cậy chính sách của nước Anh khi ông Kwarteng công bố kế hoạch thuế mới.
Bà Truss và ông Kwarteng đang kêu gọi thêm thời gian để giải quyết sai lầm của những người tiền nhiệm. Chính phủ Anh dường như quyết tâm theo đuổi việc cắt giảm thuế suất, cải cách mã số thuế và bãi bỏ quy định kinh tế để thúc đẩy đầu tư tư nhân hiệu quả.
Thế nhưng, các nhà đầu tư đang dần mất kiên nhẫn sau nhiều lần hứa hẹn “suông" về chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ những nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ.
Vấn đề là nước Anh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế từ trước khi bà Truss nhậm chức, và khó có thể đảo ngược được sự suy thoái, vốn là kết quả của những chính sách thất bại sau 12 năm. Giờ đây, chính phủ Anh phải đứng trước canh bạc: Hoặc có một cuộc đại tu chính sách, hoặc tiếp tục chứng kiến sự suy thoái.