Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 23/10 sau khi vượt qua ngưỡng chủ chốt 5%, nối tiếp xu hướng biến động mạnh gần đây trên thị trường tài phiếu toàn cầu.
Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được xem là một chuẩn mực cho các tài sản khác trên thị trường tài chính thế giới. Khi trái phiếu kho bạc Mỹ bị nhà đầu tư bán mạnh, lợi suất tăng lên, gây ảnh hưởng đến hầu như tất cả các tài sản khác, trong đó gây áp lực mất giá đối với những tài sản như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản.
Phiên ngày 23/10, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt 5,02%, cao nhất kể từ tháng 7/2007. Trước đó, lợi suất của kỳ hạn này có thời điểm vượt 5% trong phiên ngày thứ Năm tuần trước, đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc này sau 16 năm.
Nguyên nhân khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh thời gian gần đây làm lợi suất tăng lên là việc giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã hồi phục trong phiên ngày thứ Hai, đẩy lợi suất giảm trở lại, sau khi nhà đầu tư, tỷ phú Bill Ackman tuyên bố ông đã chấm dứt việc đặt cược vào sự mất giá của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài. Cuối phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,85%.
“Đang có quá nhiều rủi ro trên thế giới này để tiếp tục bán khống trái phiếu ở mức lãi suất dài hạn hiện nay. Chúng tôi đã đóng trạng thái bán khống trái phiếu”, ông Ackman viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước là Twitter). Ông Ackman giải thích rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay thực chất yếu hơn so với những gì thể hiện qua các số liệu thống kê.
Hồi tháng 8, ông Ackman tiết lộ đang nắm giữ trạng thái bán khống trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm, và thông tin này đã gây áp lực giảm mạnh lên giá trái phiếu. Ở thời điểm đó, ông tin rằng lợi suất sẽ phải tăng vì “mức lạm phát dài hạn cao hơn”. Từ đó đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng 80 điểm cơ bản, mang lại lợi nhuận cho trạng thái bán khống của ông Ackman.
Sau bài đăng của nhà quản lý quỹ phòng hộ lừng danh vào ngày 23/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm còn 5,01% từ mức 5,18% trước đó.
Trái phiếu chính phủ thường được nhà đầu tư coi là “hầm trú ẩn” truyền thống vào những thời điểm kinh tế suy yếu hoặc thị trường tài chính biến động. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo gần đây và cuộc chiến tranh bất ngờ nổ ra giữa Israel và Hamas, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn bị bán ồ ạt. Nguyên do là nhà đầu tư đang chú trọng nhiều hơn đến các chỉ số kinh tế Mỹ phản ánh sự vững vàng của nền kinh tế - căn cứ cho kỳ vọng rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài đã tăng kể từ tháng 9, sau khi dự báo “dot plot” của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này giảm dự báo số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và 2025. Sau đó, kinh tế Mỹ phát đi nhiều số liệu tốt về doanh thu bán lẻ và thị trường việc làm, cùng với các báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự báo, củng cố kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn.
Ngoài ra, một số lo ngại về mức nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Chính phủ Mỹ cũng là lý do khiến nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi suất cao hơn khi nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài. Thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ hàng năm hiện nay đã lên tới gần 2 nghìn tỷ USD. Hồi tháng 8, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ một bậc điểm tín nhiệm của Mỹ.
Theo nhà kinh tế trưởng Mohit Kumar của công ty Jefferies, rủi ro căng thẳng leo thang ở Trung Đông lẽ ra phải đẩy giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, kéo lợi suất giảm. “Nhưng nền kinh tế Mỹ đang vận hành tốt và Chính phủ Mỹ tiếp tục phát hành trái phiếu mạnh mẽ để vay nợ. Vì thế, trái phiếu kho bạc Mỹ đối mặt nguy cơ ế ẩm”, dẫn tới lợi suất tăng - ông Kumar lý giải với tờ Financial Times.
Trên thị trường lãi suất tương lai, giới giao dịch đang đặt cược bình quân lãi suất của Fed sẽ ở mức 4,7% vào cuối năm 2024, từ mức dự báo 4,2% đưa ra hồi cuối tháng 9.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm và khả năng giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vì “lạm phát vẫn còn quá cao”.
Cùng quan điểm với ông Ackman, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase cũng cho rằng thế giới đang có quá nhiều bất ổn. Trong một tuyên bố đi kèm với báo cáo tài chính quý 3/2022 được JPMorgan Chase công bố cách đây hơn 1 tuần, ông Dimon viết: “Đây có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua”. Ông Dimon đề cập đến chiến tranh Israel-Hamas, tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách chính phủ gia tăng, rủi ro lạm phát cao và lãi suất cao kéo dài.
Trong một môi trường nhiều rủi ro như vậy, sẽ có những thời điểm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ trở thành một lựa chọn của nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn.