Sau phiên rung lắc “đánh rơi” mốc 1.200 điểm, chứng khoán thăng hoa trở lại trong phiên cuối tuần để chinh phục lại mức điểm cao mới. Lực cầu dồn dập đổ vào thị trường cuối phiên khiến chỉ số bốc đầu tăng vượt mốc 1.200 điểm và đóng cửa ở mức điểm cao nhất. VN-Index kết phiên với mức tăng hơn 10 điểm (tương đương 0,86 %) lên mốc 1.207 điểm - đây cũng là mức điểm cao nhất của chỉ số trong vòng 10 tháng qua.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 20.500 tỷ đồng trong phiên chỉ số tăng mạnh cho thấy lực cầu bắt đáy duy trì sức mạnh sau phiên rung lắc. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua khi số cổ phiếu tăng lên đến 676 mã, trong đó có 77 mã tăng trần, áp đảo hoàn toàn so với mã giảm điểm.
Bàn về xu hướng chung của chỉ số, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có một số nguyên nhân khiến chỉ số bứt phá mạnh.
Thứ nhất, sau khi tiệm cận ngưỡng cản nhà đầu tư thường có xu hướng chậm lại quan sát và chờ đợi nhịp chỉnh rõ ràng hơn. Tuy nhiên, sau phiên rung lắc ngày 27/7, VN-Index vẫn một mạch đi lên khiến dòng tiền sốt ruột, không thể kiên nhẫn chờ thêm.
Đặc biệt, sau khi các cổ phiếu đã xoay vòng tăng giá gần hết, thị trường chờ đợi một nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt sẽ xuất hiện. Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, sản xuất thực phẩm trong phiên hôm nay cũng góp phần quan trọng cho đà tăng của chỉ số.
Thứ hai, sức ép đầu tư khi lãi suất huy động giảm. Trong bối cảnh các kênh đầu tư kém hấp dẫn khi lãi suất huy động hạ nhiệt nhanh chóng, thanh khoản thị trường bất động sản vẫn đóng băng, trái phiếu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, chứng khoán trở thành kênh hút tiền mạnh nhất. Sức ép “rút tiền tiết kiệm” không biết đầu tư gì khiến
Thứ ba, chuyên gia Yuanta cho rằng rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ từ Fed đã giảm, khả năng cơ quan này có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm cũng là yếu tố giúp thị trường duy trì xu hướng tích cực.
Thứ tư, tăng trưởng GDP của các nước phát triển hồi phục trong quý 2/2023 là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục. Chứng khoán là sự kỳ vọng và thị trường luôn phản ánh trước kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong nửa cuối năm.
Trước sự hưng phấn của dòng tiền, ông Minh dự báo khả năng VN-Index sẽ tiến về mốc 1.260 -1.265 điểm. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng này dòng tiền cũng sẽ có sự phân hóa khá mạnh. Những cổ phiếu kết quả kinh doanh tốt vẫn có thể thu hút dòng tiền. Ngược lại, những cổ phiếu tăng vì sự kỳ vọng, trong khi KQKD cho ra sự thất vọng thì có thể đối diện áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Trong ngắn hạn, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục giữ vị thể nắm giữ cổ phiếu để có hành động phù hợp. Nếu chỉ số tiếp tục đi lên, nhà đầu tư có thể tìm kiếm đến những cổ phiếu mạnh hơn. Ba nhóm có thể dẫn dắt đà tăng của chỉ số là bất động sản, ngân hàng, sản xuất thực phẩm. Tôi kỳ vọng nhóm BDS sẽ giúp thị trường có đà tăng mạnh nhất.
Nếu thị trường có áp lực điều chỉnh cần cơ cấu danh mục, chốt lời tại một số cổ phiếu đã có lời để bảo vệ thành quả, bán bớt lượng margin ra để giải ngân tại cổ phiếu khác.
Đưa ra quan điểm về diễn biến thị trường, Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) cho rằng thị trường đã bước vào uptrend rõ rệt. Đỉnh của uptrend lần này trong 3 tháng tới là khoảng 1.280 điểm. Vùng này được xác định bằng vẽ Fibonacci thoái lui, tương ứng mức hồi phục 61,8% từ đỉnh. Dù vậy, NHSV cho rằng đây là mức đỉnh cũ của VN-Index hồi tháng 9/2022 nên khả năng áp lực bán sẽ là rất lớn.
Trong xu hướng tăng của thị trường, dòng tiền sẽ có xu hướng mang tính đầu cơ cao. Dù vậy, chuyên gia NHSV cho rằng trong giai đoạn này nhà đầu tư nên ưu tiên những cổ phiếu có tính cơ bản cao để hạn chế rủi ro nếu thị trường quay đầu giảm.