Công nghệ

Điều gì xảy ra khi nhiều bản nhạc bị gỡ khỏi TikTok?

Việc chấm dứt thỏa thuận cấp phép bản quyền nhạc của Universal Music Group với TikTok đến từ nhiều lý do, có thể tác động lớn đến thị trường và người dùng.

Logo của TikTok. Ảnh: Bloomberg.

Universal Music Group (UMG) đã chấm dứt thỏa thuận cấp phép với TikTok từ 31/1. Trong thông báo chính thức, công ty âm nhạc đưa ra nhiều lý do, nhưng tập trung vào tác động của AI tạo sinh trong vấn đề bản quyền.

UMG cáo buộc TikTok "tràn ngập nhạc do AI tạo ra", gây nên "làn sóng phát ngôn căm thù, cố chấp, bắt nạt và quấy rối" cũng như "xóa có chọn lọc nhạc của một số nghệ sĩ đang phát triển".

Trong khi đó, TikTok cho rằng lập luận của UMG là sai lầm, khẳng định công ty âm nhạc "chọn từ bỏ sự hỗ trợ mạnh mẽ của nền tảng với hơn một tỷ người dùng".

Lý do nhắm vào AI

Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, việc sử dụng AI, đặc biệt trong sản xuất âm nhạc, là vấn đề gây tranh cãi về khía cạnh sở hữu trí tuệ giữa nghệ sĩ, nhà phát hành và các đơn vị trong lĩnh vực âm nhạc.

Về bản quyền nhạc, việc sử dụng bản thu âm cho mục đích thương mại cần được đơn vị nắm bản quyền đồng ý. Trong trường hợp này, TikTok yêu cầu UMG cung cấp thỏa thuận cho phép người dùng phối, chế tác các bài hát của UMG bằng cách sử dụng AI.

Tính năng tạo nhạc bằng AI trên TikTok. Ảnh: TikTok.

Điều này có lợi cho người dùng TikTok bởi họ có thể dùng AI với các bài hát dựa trên bản gốc mà không tốn nhiều công sức. Tuy nhiên theo TS Nguyễn Văn Thăng Long, người dùng cũng được xem là chủ sở hữu bài hát tạo bởi AI, dù họ không phải tác giả gốc hay tham gia sản xuất.

"Điều đó cũng giống một dạng 'đạo nhạc' vì về lâu dài, người dùng có thể chuyển qua nghe nhạc do AI tạo ra. Khi đó, các đơn vị sở hữu bản quyền như UMG và nghệ sĩ sẽ thất thu.

Còn với TikTok, họ (vô tình hoặc cố ý) muốn lờ đi vấn đề này, hoặc ít quan tâm nghiêm túc đến nội dung tạo bởi AI. Đó là tính năng để người dùng sản xuất và tiêu thụ nội dung mới lạ, từ đó làm tăng lượt truy cập ứng dụng, kèm các hoạt động quảng cáo, bán hàng", đại diện Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh.

Doanh thu cũng đóng vai trò lớn

Bên cạnh AI, giới chuyên gia cho rằng "cuộc chiến" giữa UMG và TikTok còn đến từ doanh thu cho nghệ sĩ.

Theo đó, UMG và các công ty cùng ngành muốn TikTok và công ty mẹ ByteDance trả nhiều tiền hơn để cấp phép bản quyền.

Theo UMG, TikTok chi trả “số tiền rất ít cho nghệ sĩ và nhạc sĩ. Trong khi đó, lượng người dùng của nền tảng này khổng lồ và ngày càng tăng”. UMG nhấn mạnh số tiền từ TikTok chỉ chiếm khoảng 1% doanh thu của công ty.

Logo của Universal Music Group. Ảnh: Reuters.

Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long, phí bản quyền của UMG ký với TikTok trước đây thấp hơn 2-3 lần so với Meta (công ty sở hữu Facebook và Instagram) do thời điểm đó TikTok còn ít người dùng.

"Tuy nhiên khi nền tảng phát triển, những sản phẩm âm nhạc gốc và phái sinh xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi đóng góp doanh thu không tương xứng với các nền tảng phát nhạc truyền thống hay sự kiện âm nhạc, tài trợ thương mại", TS Nguyễn Văn Thăng Long cho biết.

Ngoài ra, góc nhìn khác biệt về bản chất kinh doanh của 2 bên cũng là lý do mâu thuẫn.

TikTok xem họ là nền tảng chia sẻ, người dùng chịu trách nhiệm với nội dung của họ. Trong khi đó, UMG cho rằng TikTok là đơn vị cung cấp dịch vụ phân phối nhạc số bởi cách kinh doanh dựa trên nội dung do người dùng tạo ra, chứa nhạc có bản quyền.

Hai bên đều không có lợi

Trả lời Business Insider, Tatiana Cirisano, nhà phân tích về ngành công nghiệp âm nhạc tại MIDiA Research, cho rằng mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, câu hỏi luôn hiện diện là bên nào cần bên nào nhiều hơn.

"Mạng xã hội sẽ cho rằng họ là công cụ quảng bá không thể thiếu mà các hãng phát hành không thể đánh mất. Các hãng nhạc lại cho rằng nền tảng không thể hoạt động mà không có âm nhạc. Với những động thái mới nhất, UMG dường như muốn chứng minh vế thứ hai", Cirisano nhận định.

Các bản nhạc của Taylor Swift "biến mất" khỏi TikTok do UMG chấm dứt cấp phép bản quyền. Ảnh: Bloomberg.

Đây không phải lần đầu các nền tảng lớn và công ty âm nhạc xảy ra tranh chấp. Năm 2008, Warner Music Group đã xóa nhạc khỏi YouTube trong lúc chờ đàm phán tiền bản quyền. Cuối năm 2022, Sony Music Entertainment đã rút toàn bộ bài hát khỏi ứng dụng Resso (cũng của ByteDance).

Tuy nhiên, với độ phổ biến của TikTok, các chuyên gia cho rằng việc UMG rút nhạc khỏi nền tảng khó kéo dài.

"Đôi khi bạn phải dùng biện pháp mạnh để đưa ai đó quay lại bàn đàm phán. TikTok có thể tiếp tục mà không có Universal, theo cách tốt hơn so với Universal khi không có TikTok trong thời gian dài", Jonny Kaps, CEO công ty quản lý âm nhạc +1 Records, cho biết.

Tất nhiên, vẫn có những bất lợi cho TikTok. Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long từ Đại học RMIT Việt Nam, TikTok mất đi lượng lớn "nguyên liệu" để vận hành nền tảng dựa trên âm nhạc. Bài hát bị tắt tiếng có thể khiến người dùng chuyển sang nền tảng khác.

Trong khi đó, nghệ sĩ ký hợp đồng với UMG có thể mất cơ hội kiếm thêm thu nhập từ bản quyền nhạc.

"Tuy nhiên, việc này cũng mang lại cơ hội cho nhiều người. UMG tuy là đơn vị lớn nhưng không phải hãng thu âm và phân phối âm nhạc duy nhất trên thị trường", TS Nguyễn Văn Thăng Long nhấn mạnh.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-nhieu-ban-nhac-bi-go-khoi-tiktok-post1458905.html