Chiều ngày 1/2 (giờ Hà Nội), hàng loạt video trên nền tảng TikTok bị tắt âm thanh. Khi bấm vào video, ứng dụng thông báo “Âm thanh đã bị xóa do hạn chế về bản quyền”. Vấn đề này xuất hiện trên các video có dùng nhạc của một số nghệ sĩ trong nước như MONO, Wren Evans, HIEUTHUHAI, Đen Vâu, Grey D, tlinh…
Những kênh TikTok của chương trình truyền hình như Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, Rap Việt… cũng không còn âm thanh trên nhiều nội dung với lý do tương tự. Ngoài nghệ sĩ trong nước, tài khoản của những ngôi sao toàn cầu như Taylor Swift, Bad Bunny, SZA, Billie Eilish… cũng bị ảnh hưởng.
Nội dung bị tác động, xuất phát từ những người dùng nổi tiếng, có hàng triệu lượt xem trên mỗi video TikTok.
Người dùng cũng không thể sử dụng lại những âm thanh bản quyền trên trang TikTok của ca sĩ yêu thích. Ứng dụng thông báo rằng “Âm thanh không còn khả dụng”, “Âm thanh gốc đã bị xóa với lý do bản quyền”.
Điểm chung của các chương trình, nghệ sĩ nói trên là đều có hợp đồng phân phối bản quyền âm nhạc với Universal Music Group (UMG). Đồng thời, phía UMG cũng vừa đưa ra thông báo hôm 30/1 rằng hợp đồng của công ty với ByteDance, đơn vị chủ quản nền tảng chia sẻ video TikTok đã hết hạn.
Việc đàm phán các điều khoản của thỏa thuận mới không thành công. Do vậy, toàn bộ bản quyền âm nhạc từ nghệ sĩ thuộc UMG sẽ bị gỡ khỏi TikTok sau 31/1, ngày hết hợp đồng. Sự hợp tác của hai công ty bắt đầu từ 3 năm trước, hồi tháng 2/2021.
Đơn vị phân phối bản quyền cho biết có 3 vấn đề khiến thỏa thuận đi vào ngõ cụt. Thứ nhất, TikTok đàm phán mức chi phí trả cho nghệ sĩ thấp hơn nhiều con số mà UMG mong muốn. Ngoài ra, hoạt động bảo vệ bản quyền âm nhạc trên nền tảng không được thực hiện nghiêm túc. Việc TikTok phát triển AI khởi tạo âm thanh, bị phía phát hành cho là mối nguy cho nghệ sĩ.
Trao đổi với Tri Thức - ZNews, ông Phạm Tuấn Ngọc, người sáng lập Nova Group, một đối tác đa kênh của TikTok tại Việt Nam, cho biết nhiều người dùng trong mạng lưới này đã bị ảnh hưởng, tắt tiếng video trong chiều ngày 1/2. Nền tảng không chỉ tắt tiếng video của nghệ sĩ mà gồm cả những tài khoản sử dụng lại âm thanh đó.
“Video bị tắt tiếng gần như sẽ không có lượt xem vì bị nền tảng hạn chế phân phối. Điều này tác động nhiều đến người sáng tạo nội dung”, ông Ngọc nói.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty BMZ, chuyên quản lý mạng xã hội của nhiều nghệ sĩ trẻ, cho rằng không chỉ TikTok chịu thiệt hại khi mất bản quyền âm nhạc. Các ca sĩ và hãng đĩa cũng bị ảnh hưởng khi mất kênh phân phối, lan tỏa tác phẩm.
"Âm nhạc Việt Nam đang có hiệu ứng tốt sau một số tác phẩm viral toàn cầu của Tăng Duy Tân, Hoàng Thùy Linh. Việc dừng hợp tác có thể hạn chế cơ hội phát triển của các nghệ sĩ trẻ", ông Bình nói thêm.